Căn bệnh khiến người đàn ông đi vài bước đã đau
Phát hiện cẳng chân trái đau nhiều, bầm tím bàn chân, ngón chân và khó đi lại, người đàn ông 60 tuổi được người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, gần đây, đơn vị này điều trị bảo tồn hoạt động chân trái thành công cho bệnh nhân bị hẹp tắc động mạch chi dưới mạn tính.
Bệnh nhân là ông P.V.T. (62 tuổi, ở Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng đau cẳng chân trái, tê bì nhiều, da khô, tái lạnh, đau nhiều và bầm tím bàn chân, ngón chân khi đi lại.
Được biết, ông T. có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm và phát hiện tắc động mạch chậu đùi trái cách đây hơn một năm. Nhận thấy chân có dấu hiệu đau nhiều, khi đi lại vài bước là đau, ông T. đến bệnh viện tuyến dưới khám và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị.
Kết quả siêu âm doppler mạch máu phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch chậu đùi trái, tắc động mạch khoeo chân trái, khả năng cấp máu bàn chân này giảm nặng. Do đó, các bác sĩ chẩn đoán ông bị tắc động mạch chậu đùi trái mạn tính và tắc động mạch khoeo trái bán cấp tính.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 90 phút. Sau 12 giờ phẫu thuật, tình trạng đau của bệnh nhân thuyên giảm, không còn cảm giác tê, bàn chân và ngón chân ấm, mạch chân trái bắt rõ hơn. Bên cạnh đó, tình trạng tưới máu cẳng bàn chân trái được lưu thông. Mười ngày sau, sức khỏe ông T. ổn định và được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng, cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu của bệnh động mạch chi dưới là do vữa xơ động mạch. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh này là hút thuốc lá, thuốc lào, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp và tăng homocystein máu".
Theo bác sĩ Nam, tuổi bệnh nhân càng cao, nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới càng cao. Tình trạng thiếu máu chi không được giải quyết sẽ dẫn đến teo cơ, loét và hoại tử chi, sau đó lan dần từ ngọn chi đến gốc chi. Hậu quả cuối cùng là phải phẫu thuật cắt bỏ phần chi hoại tử.
Qua trường hợp này, bệnh viện khuyến cáo khi thấy chân có dấu hiệu đau, tê, đau nhiều khi đi lại, bầm tím đầu ngón chân, bàn chân... người dân nên hạn chế vận động và đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị kịp thời.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-khien-nguoi-dan-ong-di-vai-buoc-da-dau-post1418723.html