Căn bệnh kỳ lạ khiến cậu bé có 31 ngón tay chân
Ngay từ khi sinh ra, Hong Hong (Trung Quốc) đã có tới 15 ngón tay và 16 ngón chân do mắc phải chứng Polydactylism di truyền từ người mẹ.
Năm 2016, Hong Hong, ở Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, sinh ra với tổng cộng 31 ngón tay chân. Đặc biệt, cậu bé có hai lòng bàn tay trên mỗi tay và không có ngón cái.
Theo tờ CBS News, mẹ của Hong Hong cũng mắc hội chứng nhiều ngón, cô có 6 ngón trên một bàn tay. Vì vậy, khi mang thai, cô đã đi kiểm tra kỹ càng tại nhiều bệnh viện ở thành phố Thâm Quyến vì sợ dị tật có thể di truyền cho con. Nhưng kết quả siêu âm trong nửa thai kỳ không phát hiện bất kỳ dị tật nào.
Các bác sĩ chẩn đoán Hong Hong mắc Polydactylism, chứng bẩm sinh gây dị tật thừa ngón tay và ngón chân, có thể xảy ra ở người hoặc một số loài động vật như chó, mèo. Theo Tổ chức Chăm sóc Sức khỏe Atlanta (Georgia), dị tật thừa ngón không phải bệnh hiếm gặp, có thể xảy ra ở 1/1.000 trẻ. Thông thường, các ngón thừa sẽ được phẫu thuật cắt bỏ, nhưng chi phí rất đắt.
Các bác sĩ đã đưa ra những lời khuyên khác nhau cho gia đình, một số nói rằng các phẫu thuật phức tạp hơn nhiều vì Hong Hong đòi hỏi không chỉ loại bỏ các ngón tay và ngón chân phụ, mà còn cần xây dựng lại ngón tay cái.
Người đàn ông lập kỷ lục thế giới khi có 28 ngón tay chân
Năm 2014, Sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận Devendra Suthar, thợ mộc 46 tuổi, ở Ấn Độ, là người có nhiều ngón nhất thế giới. Suthar có 14 ngón tay và 14 ngón chân.
Các bác sĩ cho biết Suthar cũng mắc phải căn bệnh Polydactylism. Dù tình trạng này không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống của mình, anh luôn phải cẩn thận khi sử dụng cưa và búa. "Tôi là thợ mộc và làm việc chủ yếu với cưa cũng như búa. Nhiều ngón tay và chân hơn người khác đương nhiên gây cho tôi những rắc rối. Tuy nhiên, tôi xem chúng như là sự may mắn và không muốn cắt bỏ đi", Suthar chia sẻ.
Rất nhiều người đến từ khắp nơi trên Ấn Độ đã đến nhà của Devendra Suthar với mong muốn tận mắt chứng kiến "dị nhân” này.
“Mọi người đối xử với tôi như một người nổi tiếng. Họ đến để tận mắt nhìn những ngón tay và chân thừa của tôi. Điều này khiến tôi cảm thấy rất đặc biệt. Nhiều đứa trẻ cười thích thú khi nhìn thấy tôi làm trò với các ngón tay”, ông Suthar nói.
Gia đình nổi tiếng với di truyền 24 ngón tay chân
Gia đình Da Silva gồm 14 người sinh sống ở thị trấn Aguas Claras, Brasic (Brazil). Tất cả 14 thành viên trong gia đình đều sinh ra với 12 ngón tay và 12 ngón chân. Trong nhiều trường hợp mắc Polydactylism, các ngón tay chân thừa đều không sử dụng được, gia đình Da Silva rất may mắn lại có thể dùng chúng trong hoạt động thường ngày.
Joao de Assis Da Silva, 14 tuổi, sử dụng những ngón tay phụ để chơi guitar. Trong khi đó, em họ của Joao, Maria Morena, 8 tuổi, có thể chơi piano bằng 6 ngón tay dễ dàng hơn. "Có 6 ngón tay giúp tôi cầm bóng dễ dàng hơn, chúng cũng to hơn người khác. Mọi người ở Brazil đều yêu bóng đá và muốn trở thành cầu thủ nổi tiếng khi lớn lên", Joao cho biết.
Mỗi đứa bé sinh ra trong nhà Da Silva đều được bố mẹ mong đợi có thể thừa hưởng di truyền 6 ngón của gia đình. Điều đó là niềm tự hào, truyền thống trong nhà. "Đây là dấu hiệu riêng của gia đình mà không ai có được, một thứ khiến các thành viên trong nhà trở nên nổi bật giữa đám đông", Alessandro, một thành viên trong gia đình, tự hào chia sẻ.
Dị tật thừa ngón bẩm sinh là chứng bệnh gì?
Theo Medical News Today, Polydactylism là tình trạng một người được sinh ra có thêm ngón tay chân trên một hoặc cả hai bàn tay và bàn chân của họ.
Polydactylism có thể xuất hiện ở nhiều dạng:
- Khối u nhỏ, nổi lên của mô mềm, không chứa xương (gọi là nubbin)
- Một phần ngón tay hoặc ngón chân hình thành có chứa xương nhưng không có khớp
- Ngón tay hoặc ngón chân hoạt động đầy đủ với các mô, xương và khớp.
Polydactylism có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình thức này xảy ra trong sự cô lập, có nghĩa là một người có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào liên quan. Khi không phải là di truyền, Polydactylism có thể xảy ra do sự thay đổi gen của thai nhi trong bụng mẹ.
Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy yếu tố môi trường đóng vai trò trong các trường hợp mắc Polydactylism. Nghiên cứu năm 2013 khảo sát 459 trẻ em ở Ba Lan mắc chứng bệnh này (không do yếu tố di truyền) cho thấy nó xảy ra nhiều ở trẻ có mẹ mắc bệnh tiểu đường, nhẹ cân khi sinh, mẹ bị nhiễm trùng đường hô hấp trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bị tiền sử động kinh.
Đối với việc điều trị Polydactylism, phẫu thuật là phương pháp phổ biến được khuyến khích. Nó không chỉ loại bỏ các khiếm khuyết, mà còn tạo ra tính thẩm mỹ cho bàn tay hoặc bàn chân. Ở hầu hết trường hợp, các ngón thừa được loại bỏ trước khi trẻ 2 tuổi. Điều này giúp trẻ biết cách sử dụng bàn tay và đi vừa giầy. Người lớn mắc Polydactylism được phẫu thuật để cải thiện vẻ ngoài hoặc chức năng của tay và chân.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/can-benh-ky-la-khien-cau-be-co-31-ngon-tay-chan-post991055.html