Căn bệnh làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ chiếm 7,2%, trong đó 78% người trẻ đột quỵ do tăng huyết áp.

 Tăng huyết áp khiến người trẻ dễ bị đột quỵ. Ảnh: Adobe Stock.

Tăng huyết áp khiến người trẻ dễ bị đột quỵ. Ảnh: Adobe Stock.

Theo bác sĩ Mai Hồng Thịnh, khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang, bệnh tăng huyết áp đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo báo cáo từ Hội nghị Đột quỵ Quốc tế năm 2022, mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ dưới 45 tuổi. Mỗi năm, 6,5 triệu ca tử vong vì đột quỵ, với hơn 6% trong số đó là người trẻ.

Tại Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ chiếm 7,2%, tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần. Điều đáng lưu ý, yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ ở người trẻ là tăng huyết áp, chiếm 78%.

Bác sĩ Thịnh cho biết tăng huyết áp ở người trẻ làm sớm hình thành xơ vữa động mạch, tiến triển sớm các bệnh lý não, tim mạch. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị sớm tăng huyết áp ở người trẻ góp phần ngăn ngừa biến chứng và hạn chế yếu tố nguy cơ bệnh lý não, tim mạch.

Tăng huyết áp ở người trẻ thường được phát hiện tình cờ, trong đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám bệnh lý do khác. Trong số đó, đến 70% là không có triệu chứng điển hình như đau đầu, say xẩm, chóng mặt…

Ở người trẻ, tăng huyết áp thường có chỉ số huyết áp dưới cao, ví dụ 120/95 mmHg. Trong khi đó, tăng huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng số huyết áp trên, ví dụ 170/80 mmHg.

Dấu hiệu không điển hình của tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp…

Tăng huyết áp gây các biến chứng trên tim mạch, tai biến mạch máu não, biến chứng thận, biến chứng mắt… Ngoài ra, ở người trẻ bị tăng huyết áp thì tỷ lệ rối loạn chức năng tình dục cao gấp 2,5 lần so với người không bị. Tỷ lệ này còn cao hơn khi người trẻ bị tăng huyết áp kèm theo các bệnh khác như đái tháo đường, bệnh lý thận mạn.

30% trường hợp tăng huyết áp ở người trẻ đến từ nguyên nhân hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, u vỏ thượng thận, bệnh lý chủ mô thận, bệnh hẹp eo động mạch chủ… Ngoài ra, các yếu tố cũng góp phần làm tăng huyết áp như thừa cân béo phì, di truyền, ít vận động, hút thuốc lá, rượu bia, ăn nhiều chất béo xấu...

Để phòng ngừa tăng huyết áp, người trẻ cần thực hiện

Ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thói quen ăn mặn, ăn các món ăn nhiều dầu mỡ
Tập thể dục ít nhất 30 phút hàng ngày
Tránh uống rượu, bia, hút thuốc lá
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái xúc động, lo âu
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi huyết áp của bản thân ở nhà và đi khám khi thấy huyết áp tăng thường xuyên
Hạn chế lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, chỉ sử dụng corticoid khi có chỉ định của bác sĩ
Theo dõi, điều trị các bệnh lý có liên quan đến thận, tim mạch hay nội tiết.

Người trẻ không nên chủ quan sức khỏe, nên khám sức khỏe định kỳ, theo dõi chỉ số huyết áp để phát hiện bệnh tăng huyết áp kịp thời và điều trị đúng lúc, đặc biệt với những người mang nhiều yếu tố nguy cơ.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-benh-lam-tang-nguy-co-dot-quy-o-nguoi-tre-post1508105.html