Căn bệnh ung thư có hơn 24.000 ca mắc mới mỗi năm, 70% phát hiện muộn

Mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 25.000 ca mắc ung thư phổi mới và 22.500 ca tử vong, tỉ lệ mắc ung thư phổi cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan.

Chia sẻ với phóng viên tại chương trình "Khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi" do các bác sĩ Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai và các đơn vị tổ chức khám tại Văn Giang, Hưng Yên ngày 14/12, ông Nguyễn Bá Tĩnh, Phó giám đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu Globocan, mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 25.000 ca mắc ung thư phổi mới và 22.500 ca tử vong. Tỉ lệ mắc ung thư phổi cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan.

Bác sĩ tầm soát cho người dân.

"Đáng nói, hiện chỉ có 25% - 30% người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Còn lại hơn 70% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Điều này làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị.

Ông Tĩnh cho biết, thời gian qua tại Bệnh viện K cũng ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ tuổi mắc ung thư phổi vì nhiều người bỏ qua các triệu chứng.

"Vì vậy, khi có các dấu hiệu như ho kéo dài, đau tức ngực, khàn giọng kéo dài, thở khò khè, khó thở, cân nặng giảm bất thường… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám. Đặc biệt là những người có nguy cơ như hút thuốc lá, có người thân mắc bệnh…", ông Tĩnh khuyến cáo.

Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khoảng 20 lần so với người không hút thuốc lá.

Một số người có yếu tố di truyền sẽ càng dễ bị ung thư phổi nếu hút thuốc. Như vậy, nếu chúng ta tránh hút thuốc lá, tỉ lệ mắc ung thư phổi sẽ giảm đi rất nhiều.

Các nguyên nhân khác bao gồm phơi nhiễm tia phóng xạ, hóa chất sinh ung thư trong môi trường ô nhiễm. Thông thường ung thư phổi ở giai đoạn sớm không có triệu chứng. Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như: Ho (có thể ho khan, ho đờm hay ho máu);

Đau tức ngực, khó thở, khàn tiếng; sụt cân, đau mỏi cơ thể hoặc có thể phù mặt, cổ và ngực khi tĩnh mạch lớn trong lồng ngực bị chèn ép.

Nếu khối u ở vị trí đỉnh phổi, có thể có triệu chứng đau ở tay, vai và cổ. Ở giai đoạn muộn khi có di căn xương, gan, não… bệnh nhân có thể có triệu chứng đau nhức xương, đau cột sống (di căn xương), đau tức bụng (di căn gan), đau đầu, lẫn lộn, sụp mí mắt, nhìn mờ, yếu tay chân (di căn não).

Khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi" là cơ hội thúc đẩy người người dân tầm soát, theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng.

Tuy nhiên, các dấu hiệu ung thư phổi kể trên thường không đặc hiệu, khó phát hiện và dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Do đó không ít người bỏ qua và qua đó bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị triệt căn ung thư phổi. Người bệnh thường đến viện ở giai đoạn nặng, khi khối u ác tính đã lan sang những cơ quan khác thì mới phát hiện ra những bất thường. Khi đó, việc điều trị không đem lại hiệu quả cao. Bởi vậy, việc tầm soát ung thư định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng trong, ít nhất 1 - 2 lần/năm để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt với những người nguy cơ cao.

Với những người có dấu hiệu nghi ngờ về bệnh hô hấp, ung thư phổi cũng được làm các xét nghiệm bổ sung, chụp X-quang phổi, hoặc được tài trợ chụp CT liều thấp miễn phí tại bệnh viện có chuyên khoa ung bướu.

"Việc khám sàng lọc và chụp CT liều thấp có thể giúp người dân chủ động bảo vệ và kiểm soát sức khỏe phổi, cũng như sớm phát hiện ung thư, từ đó cải thiện đáng kể kết quả điều trị của người bệnh. Do đó, chương trình "Khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi" là cơ hội thúc đẩy người người dân tầm soát, theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng bệnh hô hấp và ung thư phổi, để từ đó có thể trao đổi kịp thời với bác sĩ điều trị"- ThS.BS Bá Tĩnh chia sẻ.

DIỆU THU

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-benh-ung-thu-hon-24000-ca-mac-moi-moi-nam-70-phat-hien-muon-20424201213531182.htm