Căn bệnh vừa được WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Đậu mùa khỉ đã trở thành mối lo mới với hệ thống y tế trên thế giới, khi WHO tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu giữa lúc các ca bệnh đã xuất hiện ở 75 quốc gia.
Bệnh đậu mùa khỉ, với những triệu chứng tương tự bệnh đậu mùa, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hôm 23/7, trong bối cảnh thế giới vẫn đang chống chọi với Covid-19.
“Chúng ta chịu các đợt bùng phát lan nhanh khắp thế giới, thông qua phương thức lây truyền mới mà chúng ta có quá ít kiến thức về nó", Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.
Tuyên bố của WHO có ý nghĩa gì?
WHO kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường kiểm dịch và áp dụng các biện pháp y tế công cộng, dù những khuyến nghị này không ràng buộc.
Tại cuộc họp hôm 23/7, Ủy ban Khẩn cấp WHO đã không đạt được đồng thuận trong việc liệu có coi đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Ông Tedros sau đó đã ra tuyên bố cuối cùng theo thẩm quyền của tổng giám đốc.
Đậu mùa khỉ là loại bệnh gì?
Bệnh đậu mùa khỉ do virus thuộc chi orthopoxvirus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa gây ra. Nó bao gồm những triệu chứng tương tự với đậu mùa - sốt, đau đầu, sưng hạch bạch huyết và phát ban, nhưng được cho là ít nghiêm trọng hơn các căn bệnh khác.
Sau khi thế giới tuyên bố diệt trừ bệnh đậu mùa vào năm 1980, đậu mùa khỉ “nổi lên như một chi orthopoxvirus nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng”, WHO cho biết.
Nguồn gốc căn bệnh
Ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận ở Cộng hòa Congo vào năm 1970. Đợt bùng phát hiện nay đã lây nhiễm hơn 16.000 người trên hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, với ít nhất 5 ca tử vong.
Tại châu Á, Thái Lan ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 21/7, sau các ca nhiễm khác ở Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Các chuyên gia vẫn chưa xác định nguyên nhân đậu mùa khỉ lây lan bên ngoài châu Phi.
Đậu mùa khỉ lây lan như thế nào?
Căn bệnh này không dễ lây lan giữa con người. Theo Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, việc lây truyền đậu mùa khỉ giữa con người phần lớn thông qua giọt bắn ở đường hô hấp.
“Giọt bắn sẽ không bay quá vài centimet, do đó cần phải tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài (để virus có thể lây truyền - PV)”, CDC nói.
“Các phương thức lây truyền giữa người bao gồm tiếp xúc trực tiếp với chất dịch hoặc tiếp xúc gián tiếp thông qua các vật dụng như quần áo hay ga trải giường nhiễm khuẩn”.
Theo WHO, nhiều ca nhiễm hiện nay liên quan đến quan hệ tình dục.
“Điều này có nghĩa đây là đợt bùng phát có thể được ngăn chặn bằng những chiến lược phù hợp áp dụng vào các đối tượng phù hợp”, ông Tedros nói, nhấn mạnh kỳ thị và phân biệt đối xử “nguy hiểm như bất kỳ loại virus nào”.
Vaccine đậu mùa khỉ?
Vaccine cho căn bệnh này đang được phát triển.
WHO cho biết vaccine đậu mùa cũng phần nào bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, nhiều nơi tại Mỹ như New York đang thiếu hụt nguồn cung vaccine trong bối cảnh số ca mắc tăng cao.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu hôm 22/7 đã khuyến cáo sử dụng loại vaccine ngừa đậu mùa do công ty dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic phát triển (vaccine Jynneos) để ngăn ngừa đậu mùa khỉ.
Cơ quan y tế Mỹ và Anh cho biết vaccine đạt tác dụng bảo vệ cao nhất nếu tiêm càng sớm càng tốt. Đối với người đã phơi nhiễm, nên tiêm trong vòng 4 ngày để ngăn ngừa và giảm thiểu triệu chứng.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là gì?
Tuyên bố của WHO với đậu mùa khỉ có tên đầy đủ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) - cảnh báo hàng đầu của tổ chức này đối với các đợt bùng phát dịch bệnh.
Các điều kiện để ra tuyên bố này phải đáp ứng Quy định Y tế Quốc tế (IHR) năm 2005 - khung pháp lý về quyền và nghĩa vụ của quốc gia với các sự kiện y tế có thể vượt ngoài biên giới.
Theo đó, PHEIC được định nghĩa “là một sự kiện bất thường được xác định có thể gây ra nguy cơ y tế đến các quốc gia do sự lây lan toàn cầu, có khả năng phải yêu cầu phối hợp phản ứng từ quốc tế”.
Trong quá khứ, WHO từng 6 lần công bố một đợt bùng phát là PHEIC: Cúm H1N1 (2009), Poliovirus - virus gây bại liệt (tháng 5/2014), Ebola (tháng 8/2014), virus Zika (tháng 2/2016), Ebola (tháng 7/2019), Covid-19 (tháng 1/2020). Tính đến nay, Covid-19 và Poliovirus là hai đợt bùng phát mà PHEIC vẫn còn hiệu lực, theo AFP.
Ủy ban Khẩn cấp
Ủy ban Khẩn cấp gồm 16 thành viên của WHO về bệnh đậu mùa khỉ do tiến sĩ Jean-Marie Okwo-Bele đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) làm chủ tịch. Ông từng là Giám đốc Cơ quan Vaccine và Tiêm chủng của WHO.
Ủy ban này tập hợp các chuyên gia virus học, nhà tiêm chủng, nhà dịch tễ học và các chuyên gia trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh lớn.
Ủy ban được đồng chủ trì bởi Nicola Low, một phó giáo sư về dịch tễ học và y học sức khỏe cộng đồng từ Đại học Bern.
14 thành viên còn lại đến từ các tổ chức ở Brazil, Anh, Nhật Bản, Morocco, Nigeria, Nga, Senegal, Thụy Sĩ, Thái Lan và Mỹ.
Tám cố vấn từ Canada, DRC, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Mỹ cũng tham gia các cuộc họp.