Cần biện pháp đủ mạnh việc thi hành án của TAPETCO

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định thi hành án đối với Công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất (gọi là TAPETCO). Tuy nhiên, doanh nghiệp này viện dẫn nhiều lý do để không thi hành án...

Phán quyết đã có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam

Theo hồ sơ, Wec Engineers & Constructors Pte., Ltd (gọi tắt là WEC) ký kết “Thỏa thuận Hợp đồng” số 06/HĐ/Tapetco-2012 về việc thiết kế thi công, mua sắm, xây dựng và lắp đặt cơ sở vật chất tiếp nạp nhiên liệu hàng không tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với TAPETCO. WEC đã hoàn thành công việc theo hợp đồng, dự án đã được nghiệm thu nhưng TAPETCO không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng nên WEC khởi kiện TAPETCO ra Tòa án Trọng tài thương mại Quốc tế (viết tắt là ICC).

Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Sơn Nhất có dấu hiệu không thi hành phán quyết có hiệu lực pháp luật.

Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Sơn Nhất có dấu hiệu không thi hành phán quyết có hiệu lực pháp luật.

Ngày 01/10/2019, ICC ban hành Phán quyết số 22845/PTA về giải quyết vụ việc tranh chấp nêu trên. Ngày 26/5/2021, TAND TP HCM ban hành Quyết định số 766/2021/QĐST-KDTM về “Quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài”. Theo đó, TAND TP HCM quyết định: Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết số 22845/PTA ngày 1/10/2019 của ICC giải quyết vụ việc tranh chấp giữa WEC với TAPETCO.

TAND cấp cao tại TP HCM sau đó ban hành Quyết định số 24/2022/QĐ-PT ngày 13/5/2022 chấp nhận kháng cáo của Công ty TAPETCO, không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết số 22845/PTA ngày 1/10/2019 của ICC giải quyết vụ việc tranh chấp giữa WEC với TAPETCO.

Ngày 11/5/2023, TAND TP HCM có Công văn kiến nghị TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định phúc thẩm nêu trên. Ngày 9/6/2023, Chánh án TAND Tối cao có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định phúc thẩm nêu trên.

Ngày 22/9/2023, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 03/2023/KDTM-GĐT về việc “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài”; Quyết định chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND Tối cao. Hủy quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với Quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành Phán quyết của Trọng tài nước ngoài, của TAND cấp cao tại TP HCM; giữ nguyên Quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài của TAND TP Hồ Chí Minh.

Cần cưỡng chế thi hành án đối với TAPETCO

Căn cứ Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh – Nguyễn Văn Hòa đã ký Quyết định thi hành án số 1046/QĐ-CTHADS ngày 12/12/2023 cho thi hành án đối với Công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất.

Theo đó, TAPETCO được yêu cầu trả ngay lập tức cho WEC 191.000 USD, tương ứng với 50% khoản chi phí của vụ việc trọng tài, được ấn định bởi ICC.

TAPETCO còn phải thanh toán cho WEC số tiền 4.771.558,50 USD, không bao gồm bất kỳ yêu cầu cấn trừ, giảm trừ hay phản tố. Tiến độ thanh toán được thực hiện như sau:

Đợt thanh toán thứ 2: Số tiền 929.771 USD chưa bao gồm 10% VAT (hoặc 1.022.748,1 USD bao gồm 10% VAT) sẽ thanh toán trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận;

Đợt thanh toán cuối cùng: 3.841.787,5 USD còn lại sẽ được thanh toán trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận.

Bất kỳ sự chậm trễ nào đối với nghĩa vụ thanh toán nói trên sẽ phải chịu mức lãi chậm trả 10%/năm tính trên số tiền chậm thanh toán.

Theo Quyết định Thi hành án nêu trên thì người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ Quyết định này. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 6 tháng, TAPETCO vẫn chưa thi hành Quyết định thi hành án. Lý do mà TAPETCO chưa thực hiện thanh toán vì WEC chưa cung cấp đủ các hồ sơ chứng minh khối lượng và chất lượng của hạng mục yêu cầu được thanh toán.

WEC cho rằng, TAPETCO viện lý do trên là có dấu hiệu cố tình xem nhẹ Phán quyết của Trọng tài Quốc tế ICC và Quyết định của TAND TP HCM, Quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Bởi, vụ việc tranh chấp giữa TAPETCO và WEC đã trải qua nhiều phiên xét xử của Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC và 2 Tòa án Việt Nam, các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc TAPETCO có nghĩa vụ phải thanh toán đã được WEC cung cấp đầy đủ tại các phiên xét xử.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần kiểm sát chặt chẽ và có biện pháp cụ thể để buộc TAPETCO thực hiện nghiêm phán quyết và các quyết định của Tòa án Việt Nam.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Đường, Công ty Luật Bản Việt cho biết: Luật Thi hành án dân sự năm 2008, (đã được sửa đổi bổ sung 2014, 2018, 2020, 2022), tại Điều 2 quy định, mọi bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh. Việc thi hành án là bắt buộc đối với bên phải thi hành án.

Trường hợp TAPETCO vẫn đưa ra lý do để tiếp tục chây ỳ, kéo dài thời gian thi hành án của mình, WEC có thể gửi văn bản đến Cơ quan Thi hành án nêu rõ sự việc đồng thời yêu cầu Cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án theo quyết định.

Nếu như TAPETCO vẫn cố tình không thực hiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Các biện pháp cưỡng chế bao gồm: Kê biên, xử lý tài sản của bên phải thi hành án; Khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng của bên phải thi hành án; Phong tỏa tài sản, tài khoản của bên phải thi hành án; Cưỡng chế buộc giao tài sản, chuyển giao quyền sở hữu hoặc sử dụng tài sản.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/can-bien-phap-du-manh-viec-thi-hanh-an-cua-tapetco-436152.html