Cán bộ ''chín ép'' - nhận diện và phòng ngừa

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, trong phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra hạn chế: 'Có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn biểu hiện cục bộ địa phương, bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy'.

Trong văn hóa người Việt chúng ta, có thành ngữ "Đẻ non, chín ép" để phê phán những hiện tượng gượng ép, không tuân theo quy luật tự nhiên thông thường. Thành ngữ trên cũng được dùng theo ý phê phán, chê trách khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách "thần tốc", bất chấp người được đề bạt, bổ nhiệm có đủ năng lực, trình độ, đức và tài hay không.

Điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra ở trên chính là chỉ hiện tượng cán bộ "chín ép", “thăng tiến thần tốc”, “đỏ vỏ xanh lòng”, không phải là hiếm gặp và đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.

Điểm chung của hiện tượng "chín ép" là những cán bộ diện này thường ít tuổi, ít năm công tác nhưng nhiều bằng cấp, mặc dù kinh nghiệm làm việc rất ít ỏi, tài năng không có gì nổi trội song lại được giao đảm nhận những vị trí lãnh đạo quan trọng, đứng đầu tổ chức Đảng hoặc chính quyền, đoàn thể ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Một đặc điểm dễ thấy nhất ở những cán bộ "chín ép" thường là được “nhúng”, "tráng qua" thực tiễn và có quá trình lên chức rất nhanh, cá biệt có người “thăng tiến thần tốc” cho dù chưa đủ các tiêu chí đề bạt, bổ nhiệm. Đáng lưu ý, để hợp thức hóa quyết định đề bạt, không bị dư luận “soi”, họ được tạm giao quyền, giao chức danh, sau đó bổ nhiệm chính thức hoặc luân chuyển, “thổi phồng thành tích”, vận động hành lang... để được đưa vào vị trí mong muốn. Có thể dẫn ra một số trường hợp như Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Vũ Minh Hoàng mới 26 tuổi đã được bổ nhiệm không đúng quy định làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù chưa đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn “thần tốc” giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam…

Cán bộ “chín ép”, thiếu năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn khi thực thi nhiệm vụ thường đưa ra các quyết định, quyết sách không chuẩn, sẽ để lại hậu quả xấu cho xã hội. Đây cũng là căn nguyên gây ra so kè, tị nạnh, mất đoàn kết và bất mãn trong đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương; là một trong những nguyên nhân khiến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bị xói mòn. Và đây cũng là lý do dẫn đến các yếu kém trong công tác cán bộ, xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền và thậm chí đấu đá phe nhóm trong nội bộ, lách cơ chế để vụ lợi cá nhân. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình vốn được xem là động lực xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng con người liêm chính và cơ quan vững mạnh bị thao túng, trở thành “chỗ dựa” để họ báo cáo cấp trên và là “vũ khí” để loại khỏi ê kíp những người dám bảo vệ lẽ phải.

Hiện nay, trước yêu cầu mới xây dựng đất nước, vấn đề then chốt nhất là phải có được đội ngũ cán bộ các cấp hội tụ cả đức, tài, trí, bản lĩnh, liêm khiết và tác phong công tác chuẩn mực. Để đạt được điều đó, cần thực hiện đúng phương châm của Đảng trong đánh giá, sử dụng và rèn luyện, thử thách cán bộ công khai, minh bạch với những giải pháp tổng thể, đồng bộ, trong đó tập trung một số giải pháp chủ đạo.

Trước hết, cần chấn chỉnh ngay việc bình xét chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng và công tác đánh giá cán bộ hằng năm theo hướng minh bạch, chất lượng, không chạy theo thành tích, bởi đây là kênh quan trọng để “đo” năng lực, phẩm chất, phương pháp, tác phong công tác và uy tín đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc đánh giá chính xác chất lượng cán bộ giúp cấp ủy các cấp thấu rõ những người có uy tín giả, từ đó lựa chọn đúng cán bộ để xếp nguồn, đưa đi bồi dưỡng, đào tạo và hướng tới sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, do thực hiện chủ trương “động” và “mở” trong công tác quy hoạch cán bộ chưa tốt nên không ít cá nhân diện quy hoạch nguồn bị “đóng băng”, ít dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; thậm chí rất thận trọng, ngại phản biện, ngại va chạm. Thay vào đó là tâm lý chờ thời, “mũ ni che tai”, “gọi dạ, bảo vâng”, cố gắng làm hài lòng đồng cấp và cấp trên để có phiếu tín nhiệm cao. Cần nhìn nhận rõ những bất cập này để có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Bên cạnh đó, phải phát huy sức mạnh của các đoàn thể nhân dân trong giám sát cán bộ; kiên quyết thay thế những cán bộ có biểu hiện trục lợi từ vị trí công tác. Đặc biệt, cần kiên quyết đấu tranh với những hành vi cấu kết, bắt tay, thông đồng nhau để thao túng công tác cán bộ, đề cử, cất nhắc người không đủ tiêu chuẩn.

Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII trình Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND”. Nhận diện thực tế, quyết liệt hành động, ngăn ngừa, thanh lọc cán bộ “chín ép”, chặn ngay từ trừng nước những thủ đoạn chui sâu, leo cao của những cán bộ tham vọng cá nhân là cách tốt nhất để hạn chế khuyết điểm như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra.

Tin tưởng rằng, với tinh thần quyết liệt, Đảng ta sẽ tìm được và cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm đúng những cán bộ hội tụ đủ cả đức và tài, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; kiên quyết làm rõ và loại trừ những trường hợp "chín ép", "thăng tiến thần tốc", "danh bất xứng với thực", góp phần xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, hiệu quả.

Mạnh Thắng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/986046/can-bo-chin-ep---nhan-dien-va-phong-ngua