Cán bộ chính quyền phải phụ trách dân vận(*)

LTS: Tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục giới thiệu bài viết 'Cán bộ chính quyền phải phụ trách dân vận' với những quan điểm sâu sắc về tư tưởng trọng dân, gần dân và lên án căn bệnh quan liêu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng. Bài viết đồng chí viết vào ngày 10-1-2000.

"Công việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân của nước ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt những viên móng đầu tiên, rất vững chắc, từ khi người đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 2-9-1945.

Trong hai cuộc kháng chiến, cũng như trong các năm có điều kiện xây dựng trong hòa bình, Đảng ta đã tích cực lãnh đạo thực hành cải tổ cơ cấu và cải cách hành chính cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng mới mẻ và nặng nề.

Đến Đại hội VI (1986), qua tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã đi đến khẳng định cơ chế vận hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị của chế độ XHCN của chúng ta là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Mặc dù còn phải tiếp tục rút tỉa kinh nghiệm, bổ sung và hoàn chỉnh dần cơ chế vận hành ấy, nhưng cho đến nay, Đảng ta đã khẳng định tính chất đúng đắn, tính chất ưu việt của cơ chế ấy.

Vấn đề còn hạn chế trong quá trình vận hành thì có nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất cản trở và làm xói mòn tính ưu việt của cơ chế ấy là bệnh quan liêu.

 Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm một gia đình nông dân ở tỉnh An Giang, năm 1999. Ảnh tư liệu

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm một gia đình nông dân ở tỉnh An Giang, năm 1999. Ảnh tư liệu

Lênin đã nói: Một trong những căn bệnh vô cùng nguy hiểm của Đảng cầm quyền là chủ nghĩa quan liêu... Đó là ung nhọt nguy hiểm nhất trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước. Nguy hại của nó là làm vô hiệu hóa việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây lãng phí sức người, sức của của nhân dân, đổi trắng, thay đen, vàng thau lẫn lộn, vì không kiểm tra, không kiểm soát đến nơi đến chốn...

Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết là tệ quan liêu. Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu là tuyệt đối cần thiết...

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: Bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ.

Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta... Những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí...

Kẻ quan liêu lại vừa có chức, có quyền, tham vọng cá nhân, muốn thăng quan, tiến chức, trục lợi cá nhân, lợi dụng pháp luật sơ hở để đục khoét, nếu tăng đặc quyền cho họ thì càng nguy hiểm, sẽ càng làm môi trường tốt nhất cho kẻ xấu phát triển bệnh quan liêu, cho nên phải cải cách hành chính một cách triệt để, thiết lập cơ chế giám sát, kiểm soát, huy động nhân dân tham gia quản lý nhà nước, thực hiện cho được quyền làm chủ của nhân dân.

Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa gần đây đều nói đến tệ quan liêu.

Khắc phục bệnh quan liêu đòi hỏi phải có nhiều biện pháp.

Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ đề cập một điểm. Muốn khắc phục tệ quan liêu thì phải làm đúng lời Bác Hồ dạy: Tất cả cán bộ chính quyền đều phải phụ trách dân vận.

Không ít nơi cho tôi biết: Trước và sau ngày 15-10-1999, nhân kỷ niệm bài báo Dân vận của Bác Hồ, các địa phương có tổ chức hội thảo. Trong các cuộc hội thảo đó, đa số người đến dự là cán bộ các đoàn thể và một số các nhà khoa học, nhà nghiên cứu công tác Đảng. Cán bộ chính quyền đến rất ít, hoặc không đến.

Có thể cũng do bận việc, nhưng nếu đi sâu phân tích thì do quan niệm: Công tác dân vận (CTDV) là công tác của các đồng chí làm công tác đoàn thể. Nếu có thêm thì là của các đồng chí làm công tác Đảng. Cán bộ chính quyền làm công việc cầm quyền, công việc hành chính. Nói một cách đơn giản theo ý một số người: Là công việc thực hiện pháp chế, ra nghị định, soạn thảo và công bố văn bản, làm cho đúng các thủ tục hành chính,...

Cán bộ chính quyền là những công chức của Nhà nước. Đương nhiên phải giỏi về nghiệp vụ hành chính. Nhưng chỉ giỏi về nghiệp vụ hành chính mà không hiểu CTDV và thực sự làm CTDV thì chưa hoàn toàn là những người công chức cách mạng, công bộc của dân.

Những việc ấy là những việc bất cứ nhà nước của chế độ nào cũng phải làm. Nhưng theo tinh thần lời Bác Hồ dạy thì đối với chế độ ta, như thế là không đủ. Một phần việc rất quan trọng của cán bộ chính quyền là phải phụ trách dân vận, phải làm công tác vận động nhân dân, vận động cách mạng.

+ Phải tìm hiểu nguyện vọng và mọi mặt đời sống thực tiễn của nhân dân.

Đời sống ấy rất phong phú, rất đa dạng, lại biểu hiện không giống nhau ở các tầng lớp, ở các vùng, các lĩnh vực, ở các thời điểm.

Thực tiễn là vận động, là phát triển, là không ngừng có cái mới nảy sinh, là biểu hiện ở trạng thái đấu tranh, có cái thì phổ biến, có cái thì riêng biệt. Không đi sâu nghiên cứu và phân tích đúng đắn thì chỉ mới biết qua hiện tượng bên ngoài, không đủ cơ sở để chủ trương, để quyết định và xử trí. Mà đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, mọi chủ trương, chính sách, mọi quyết định, mọi xử trí đều phải xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, từ thực tiễn của đời sống.

+ Khi đã có chủ trương, chính sách nhất thiết phải công bố. Nhưng đó cũng chỉ là công việc đầu tiên. Phải làm cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đó là quá trình vận động nhân dân, vận động cách mạng, đưa chủ trương, chính sách đi vào quần chúng, làm cho quần chúng tự giác và quyết tâm thực hiện.

+ Quá trình thực hiện chủ trương, chính sách phải là quá trình kiểm tra, giám sát và tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, đúc kết, bổ sung và phát triển lý luận, chủ trương, chính sách.

Công việc này không thể ngồi ở bàn giấy mà làm được. Phải xuống cơ sở, đi vào nhân dân, tìm hiểu, hỏi han, gạn lọc, phân tích, xem xét đúng sai và lấy ý kiến của nhân dân mà chỉnh lý.

Bởi vậy mà cán bộ chính quyền phải phụ trách dân vận một cách tận tụy.

Mục đích cuối cùng và cao nhất của CTDV là bảo đảm thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Không thông qua CTDV thì không thực hiện được mục đích đó. Và như vậy, chính quyền không thể là của dân, do dân và vì dân được.

Cán bộ chính quyền không tận tụy phụ trách dân vận thì không chống được bệnh quan liêu. Không chống được quan liêu thì không chống được lãng phí và tham nhũng, không thể phát hiện và đề bạt cán bộ tốt, giáo dục và xử trí cán bộ hư hỏng. Không chống được quan liêu, lãng phí, tham nhũng, không phân biệt được cán bộ tốt và cán bộ xấu thì không bảo vệ được chế độ XHCN của chúng ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh rất vĩ đại. Chỉ riêng trong vấn đề này, chúng ta có thể nhận ra sự vĩ đại và vô cùng sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ rằng: Học viện Hành chính quốc gia nên có chương trình nghiên cứu và giảng dạy về "Cán bộ chính quyền phải phụ trách dân vận".

Các cuộc lựa chọn, thi tuyển, kiểm tra, đánh giá cán bộ nhà nước cũng phải lấy vấn đề này làm một tiêu chuẩn".

LÊ KHẢ PHIÊU

(*) Trích từ Cuốn sách Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Nxb Chính trị Quốc gia, tháng 8-2000; tr123-127.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/can-bo-chinh-quyen-phai-phu-trach-dan-van-631100