Cán bộ chủ động từ nhiệm rất ít, vì sao?
Trong thực tế, việc từ chức của cán bộ chưa được thực hiện tốt như chủ trương đã đề ra. Thời gian qua, số cán bộ chủ động từ nhiệm rất ít dù số cán bộ bị kỷ luật do mắc sai phạm nghiêm trọng ngày càng gia tăng.
Từ 10-15 ngày làm việc, sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 41- QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định 260 ban hành cách đây hơn 10 năm.
Một trong những điểm mới của Quy định 41 so với Quy định 260 là không cho cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm. Về nguyên tắc, Đảng sẽ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ; trường hợp nào phải miễn nhiệm thì không cho từ chức. Đồng thời, Quy định 41 quy định rõ đối với 4 trường hợp xem xét cán bộ từ chức gồm: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Quy định 41 đã đưa ra các căn cứ, tiêu chí được định lượng một cách rõ ràng, cụ thể có tính pháp lý, là cơ sở để cán bộ nếu rơi vào một trong các trường hợp trên thì nên chủ động từ chức.
So với quy định trước, Quy định 41 rút ngắn thời gian về quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức. Cụ thể, từ 10-15 ngày làm việc, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức đối với cán bộ. Điều này được đánh giá là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bởi các căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức được quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì quy trình thực hiện cần rút ngắn lại, bởi nếu kéo dài thời gian thì sẽ bị nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng tới niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Số cán bộ chủ động từ nhiệm rất ít dù số cán bộ bị kỷ luật gia tăng
Từ chức không phải là vấn đề mới mà đã được Đảng ta đề cập từ nhiều nhiệm kỳ trước và được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Đảng, quy định của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, trong thực tế, việc từ chức của cán bộ chưa được thực hiện tốt như chủ trương đã đề ra. Thời gian qua, số cán bộ chủ động từ nhiệm rất ít dù số cán bộ bị kỷ luật do mắc sai phạm nghiêm trọng ngày càng gia tăng theo thời gian. Nhất là tình trạng cán bộ thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phổ biến trong nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như niềm tin của nhân dân.
Thừa nhận có thực tế này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, Quy định mới đã kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý cán bộ, đồng thời thể chế hóa chủ trương của Đảng thành quy định mới cụ thể hơn, cô đọng hơn, dễ hiểu, dễ triển khai, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
Theo đó, khi cán bộ không còn đủ năng lực, uy tín, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp thì nên chủ động từ chức thay vì cố gắng tìm mọi cách để “giữ ghế” đến cùng. Bởi nếu cán bộ không từ chức thì tùy vào mức độ vi phạm, cấp có thẩm quyền sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm hoặc cách chức. Quy định này tạo sự răn đe, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ phấn đấu, giữ mình và tạo điều kiện cho quy trình xử lý được thuận tiện, dễ dàng hơn.
“Trước đây chúng ta kêu gọi văn hóa từ chức nhưng người từ chức bị ràng buộc về nhiều mặt, nhất là về quyền lợi, danh dự. Còn bây giờ nếu cán bộ rơi vào khung đó mà không tự giác, cố tình giữ vị trí khi không còn đủ tín nhiệm thì cấp có thẩm quyền sẽ miễn nhiệm. Quy định có tác dụng rất rõ như vậy” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói.
Đặt cao lòng tự trọng để tự soi, tự sửa, tự xin thôi chức
Quy định 41 được đánh giá ban hành đúng thời điểm, đồng bộ với các quy định khác của Đảng như Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, kiên quyết sàng lọc những người không đủ uy tín, năng lực, phẩm chất ra khỏi bộ máy, để đảm bảo cho bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quy định 41 cũng tác động rất lớn đến đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng, đòi hỏi mỗi người phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, đặt cao lòng tự trọng để tự soi, tự sửa, tự xin thôi giữ chức vụ nếu không còn đủ năng lực, uy tín.
“Cán bộ nhận thức được, tự giác và có lòng tự trọng thì mới sẵn sàng nói lời từ chức, từ đó tạo tiền lệ và dần dần trở thành văn hóa từ chức. Bởi nếu chỉ trông chờ hoặc kêu gọi cán bộ tự giác từ chức thì sẽ rất khó, còn bây giờ tạo cơ chế nếu không từ chức thì sẽ bị miễn nhiệm hoặc cách chức thì bắt buộc cán bộ phải tự giác” – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng, để Quy định 41 có thể áp dụng ngay vào hoạt động của các tổ chức Đảng và hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước, cần có hướng dẫn chi tiết hơn để hiểu từng tiêu chí như thế nào, cũng như khống chế việc có khả năng lợi dụng hoặc làm trái.
Vị đại biểu đoàn Hải Phòng cũng nêu thực tiễn, trước kia có tình trạng cán bộ mắc khuyết điểm và được tổ chức xác định gây ra hậu quả nhất định đến mức phải kỷ luật, miễn nhiệm thì đương sự lại làm đơn từ chức để giảm bớt khuyết điểm của mình. Song ở Quy định 41 nói rõ, những trường hợp đã xác định miễn nhiệm thì không được từ chức, nhằm bịt lỗ hổng, những khoảng trống để cán bộ không thể lợi dụng.
“Dấu hiệu để nhận biết cán bộ ở mức độ miễn nhiệm hay từ chức thì tổ chức phải nắm. Còn việc từ chức hay không là do cán bộ tự nguyện, tự giác, cán bộ tự nhận thấy khuyết điểm và tự giác sửa chữa khuyết điểm bằng cách tự giác từ chức. Để tránh trường hợp xác định rõ cán bộ mắc khuyết điểm nhưng không từ chức thì quy định lần này cho phép cấp có thẩm quyền có thể trao đổi, gợi ý để cán bộ thấy được khuyết điểm. Đây chính là tính nhân văn của tổ chức Đảng. Bởi chính việc gợi ý, trao đổi đó để đảng viên không cố tình hoặc không chống lại những nguyên tắc của tổ chức. Đó cũng chính là cách để giảm nhẹ khuyết điểm ngay từ sớm".
Ông Nguyễn Chu Hồi phân tích và nhấn mạnh, ngoài quy định hiện có cần có những quy định khác để bảo đảm tính nhân văn cao hơn, tính chất giáo dục của Đảng cao hơn. Nếu làm được như vậy thì “thói quen” không chịu từ chức, thậm chí “ngoan cố” để giữ ghế sẽ thay đổi. Bởi vì kỷ luật tự giác chỉ bắt nguồn từ kỷ luật bắt buộc, sự bắt buộc đến ngưỡng nào đó thì sẽ chuyển hóa thành tự giác./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/can-bo-chu-dong-tu-nhiem-rat-it-vi-sao-904858.vov