Cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm gây ách tắc cho nền kinh tế
Bên hành lang Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm bàn luận là một bộ phận cán bộ, công chức do chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm,... đã gây những điểm nghẽn, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Hoàng Anh Công (Hà Nội): Nguyên nhân lớn vẫn do bệnh "sợ trách nhiệm"
Vấn đề “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai” đã gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Thực trạng này xuất phát từ 2 nguyên nhân, khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan xuất phát từ các văn bản quy định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện, điển hình là cùng 1 nội dung quy định, nhưng lại có 2 cách hiểu khác nhau; hay cùng 1 nội dung công việc nhưng lại có 2 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
Nhưng bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan vẫn lớn nhất, đó là ý thức của cán bộ công chức. Nhiều cán bộ công chức mắc bệnh "sợ trách nhiệm" mà không làm tròn nhiệm vụ của mình, có biểu hiện vô trách nhiệm, thờ ơ với công việc. Biểu hiện của bệnh "sợ trách nhiệm" là làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý.
Thực tế này đã làm cho công việc bị trì trệ, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, huy động các nguồn lực phát triển, cũng như công việc của người dân, doanh nghiệp,... Không những thế, sợ trách nhiệm còn làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.
Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện được ngay. Đồng thời, đưa ra các cơ chế hợp lý để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cũng như bảo vệ thu nhập của cán bộ công chức để họ yên tâm làm việc.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Công tác "đánh giá cán bộ" còn nhiều hạn chế, thiếu sót
Ngay trong Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, tại các phiên thảo luận trên hội trường hay thảo luận tổ cũng đề cập nhiều về vấn đề này. Tình trạng cán bộ "sợ sai, không dám làm"; né tránh, đùn đẩy công việc xảy ra khá phổ biến. Thực trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề giải ngân rất chậm. Trong khi nếu như càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân, tỉ lệ giải ngân phải cao hơn nhưng thực tế vẫn còn rất thấp. Cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhưng nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt mà nhiều nơi lại chậm.
Để khắc phục được tình trạng này, cần xây dựng sự minh bạch rõ ràng, công bằng và kiên quyết hơn nữa trong khâu đánh giá cán bộ. Có đánh giá chính xác cán bộ mới có thể quy hoạch đúng và bố trí, sử dụng vị trí phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ.
Từ trước tới nay, trong khâu đánh giá cán bộ, phần lớn đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chưa phản ánh đúng thực chất, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Thực tiễn công tác cán bộ thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp đánh giá cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, chưa hẳn vì yêu cầu công việc,.. Do vậy, nên tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm vẫn chưa được khắc phục triệt để.
ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình): Gốc rễ vẫn là nâng cao chất lượng thể chế
Thực tế cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ đã làm cản trở phát triển kinh tế, xã hội; làm giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước.
Một phần gốc rễ vấn đề vẫn là chất lượng thể chế, chất lượng quy định của pháp luật. Hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên quá trình thực thi công vụ cũng sẽ có khó khăn, rào cản, vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đầu tư, tài chính, ngân sách, đầu tư công, phát triển doanh nghiệp. Do đó, cần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát bãi bỏ các quy định hoặc thói quen phải xin ý kiến, thỏa thuận, xin chủ trương, thống nhất...
Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng cần đưa ra những quyết sách để tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn; tạo được hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá để cán bộ công chức vững tâm và trách nhiệm hơn.