Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có năng lực được ưu tiên bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc: Cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được ưu tiên bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ưu tiên sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nữ, trẻ, dân tộc thiểu số rất ít người

Gần đây, Ủy ban Dân tộc đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc. Đáng chú ý, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (Điều 11) như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được ưu tiên bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp.

 Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có năng lực được ưu tiên bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Ảnh minh họa

Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có năng lực được ưu tiên bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Ảnh minh họa

Cùng với đó, phải đảm bảo cơ cấu cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nữ, trẻ, dân tộc thiểu số rất ít người tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống cơ quan nhà nước.

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tuyển dụng, phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số theo quy định nêu trên và thực hiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền hoặc nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành văn bản triển khai thực hiện nội dung quy định này.

Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người được miễn học phí

Trong dự thảo nêu về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, đáng chú ý, là thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh, học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, chỗ ở, tín dụng giáo dục và chính sách hỗ trợ học tập khác đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác theo quy định của nhà nước; tăng cường đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số.

Thực hiện chính sách phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với lao động là người dân tộc thiểu số. Thu hút, sử dụng đội ngũ chuyên gia là người dân tộc thiểu số tham gia nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Xem toàn văn dự thảo và góp ý: Tại đây.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-bo-cong-chuc-nguoi-dan-toc-thieu-so-co-nang-luc-duoc-uu-tien-bo-nhiem-giu-chuc-vu-lanh-dao-quan-ly-post297468.html