Cán bộ công chức sẽ được đánh giá bằng KPI, bỏ chế độ tập sự sau trúng tuyển
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định người trúng tuyển phải đáp ứng ngay yêu cầu vị trí việc làm, được xếp ngạch công chức tương ứng và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Sáng 3/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật, Pháp lệnh vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Cán bộ công chức 2025.
Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết Luật Cán bộ, công chức gồm 7 chương, 45 điều với nhiều nội dung mới.
Trong đó, nổi bật là việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh.
Luật cũng bổ sung quy định về chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long (Ảnh: T. Quỳnh).
Với Luật Cán bộ, công chức 2025, khái niệm vị trí việc làm đã được hoàn thiện. Vị trí việc làm công chức được phân loại thành 3 nhóm, gồm: vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
"Luật cũng bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí cán bộ vào vị trí việc làm nào thì xếp ở ngạch công chức tương ứng", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, Luật quy định nguyên tắc, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và phương thức, thẩm quyền tuyển dụng theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được xếp ở ngạch công chức tương ứng và không phải thực hiện chế độ tập sự.
"Luật cũng bỏ quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, quản lý công chức", Thứ trưởng Long thông tin.
Ngoài ra, cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ cũng được nêu rõ trong luật.
Luật quy định chính sách đối với 2 nhóm đối tượng gồm: nhóm đối tượng thu hút vào khu vực công áp dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao và nhóm đối tượng là người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Cơ quan quản lý công chức cũng được ký hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ của công chức đối với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, luật gia, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.
Nhân lực chất lượng cao cũng có thể được ký hợp đồng để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, để đánh giá và sàng lọc cán bộ, công chức, Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI).
Cơ quan quản lý sẽ sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy.