Nhiều quy định mới về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức theo vị trí việc làm có hiệu lực
Nghị định mới ban hành tập trung sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan đến tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm (VTVL); đối tượng tiếp nhận vào công chức; bố trí VTVL đối với công chức được tuyển dụng, thay đổi VTVL và xếp ngạch công chức tương ứng với VTVL; chế độ thôi việc đối với công chức...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Nghị định gồm 6 Chương, 73 Điều, cụ thể: Chương I: Quy định chung (gồm Điều 1 và Điều 2); Chương II: Tuyển dụng công chức (gồm 18 điều từ Điều 3 đến Điều 20); Chương III: Sử dụng công chức (gồm 36 điều từ Điều 21 đến Điều 56); Chương IV: Thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức (gồm 7 điều từ Điều 57 đến Điều 63); Chương V: Quản lý công chức (gồm 5 điều từ Điều 64 đến Điều 68); Chương VI: Điều khoản thi hành (gồm 5 điều từ Điều 69 đến Điều 73).
Về cơ bản, Nghị định được thiết kế theo nguyên tắc kế thừa các nội dung quy định tại các nghị định hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung năm 2024 tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP và có lược bỏ, điều chỉnh, bổ sung nội dung để bảo đảm đúng với quy định mới của Luật Cán bộ, công chức năm 2025.
Theo đó, Nghị định tập trung sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan đến: tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm (VTVL); đối tượng tiếp nhận vào công chức; bố trí VTVL đối với công chức được tuyển dụng, thay đổi VTVL và xếp ngạch công chức tương ứng với VTVL; chế độ thôi việc đối với công chức; trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý công chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Cụ thể các trường hợp thực hiện xét tuyển công chức
Đáng chú ý, một nội dung trong Nghị định 170/2025/NĐ-CP là quy định cụ thể các trường hợp thực hiện xét tuyển công chức để cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng thực hiện thuận lợi trong thực tiễn; đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính (TTHC) trong tuyển dụng, phù hợp Luật Cán bộ, công chức năm 2025.
Trong đó, việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng: người cam kết tình nguyện làm việc từ đủ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng thuộc đối tượng thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng.
Ngoài ra, trong công tác tuyển dụng, Nghị định 170/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến: xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức; nội dung vòng 2 (xét nghiệp vụ chuyên ngành) trong kỳ xét tuyển công chức phù hợp đối tượng thực hiện xét tuyển; nội dung quyết định tuyển dụng xác định gồm tuyển dụng, bố trí VTVL và xếp ngạch tương ứng VTVL tuyển dụng; tiêu chuẩn, điều kiện của người được tiếp nhận vào công chức.

Nghị định 170/2025/NĐ-CP tập trung sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm; đối tượng tiếp nhận vào công chức, bố trí vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng, chế độ thôi việc đối với công chức... (ảnh: công chức UBND phường Bạch Mai tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính)
Bên cạnh đó, một nội dung mới nữa của Nghị định 170/2025/NĐ-CP là bổ sung 1 mục tại Chương III quy định về bố trí và xếp ngạch công chức theo VTVL, gồm: bố trí, phân công công tác (Điều 21); bố trí vào VTVL, thay đổi VTVL công chức (Điều 22); điều kiện, tiêu chuẩn đối với công chức khi thay đổi VTVL (Điều 23); thực hiện thay đổi VTVL đối với công chức (Điều 24).
Theo Bộ Nội vụ, việc bổ sung mục này nhằm xác định vai trò, nhiệm vụ cụ thể trong việc bố trí VTVL và xếp ngạch công chức đối với người trúng tuyển công chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức phân công công việc theo đúng yêu cầu VTVL tuyển dụng, bồi dưỡng, theo dõi đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức.
Đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp thay đổi VTVL có ngạch công chức xếp theo thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn ngạch hiện giữ; thay đổi VTVL có ngạch công chức cùng thứ bậc chuyên môn, nghiệp vụ nhưng khác ngạch hiện giữ; thay đổi VTVL có ngạch công chức xếp theo thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ thấp hơn ngạch hiện giữ do không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc có đơn tự nguyện thay đổi VTVL.
Ngoài ra, bổ sung trường hợp được tiếp nhận vào công chức là chuyên gia, nhà khoa học, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu xuất sắc.
Cùng đó, Nghị định 170/2025/NĐ-CP bổ sung trường hợp được tiếp nhận vào công chức là chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, nhà quản lý, nhà quản trị DN; người công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị mà không phải là công chức, phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025 trong việc thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và người có kinh nghiệm, đáp ứng ngay yêu cầu công việc vào làm việc tại khu vực công.
Bổ sung quy định về thôi việc đối với công chức, đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Cũng trong Nghị định 170/2025/NĐ-CP có quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan sử dụng công chức được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng quyết định cho thôi việc hoặc ủy quyền quyết định cho thôi việc đối với công chức; quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với trường hợp công chức tự nguyện xin thôi việc và trường hợp công chức bị cho thôi việc.
Cụ thể, công chức tự nguyện xin thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc; được bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH.
Đồng thời, thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025, Nghị định 170/2025/NĐ-CP tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền. Theo đó, bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức thuộc thẩm quyền quản lý; quy định bộ, ngành, địa phương thực hiện việc phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc.
Ngoài ra, Nghị định xác định và quy định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức trong việc bố trí VTVL đối với người trúng tuyển vào công chức và thay đổi VTVL công chức.
Về đơn giản hóa TTHC, Nghị định 170/2025/NĐ-CP không quy định về thi, xét nâng ngạch công chức. Theo đó các TTHC về thi, xét nâng ngạch công chức sẽ được bãi bỏ; giảm thiểu các hình thức quy định khi tuyển dụng công chức.
Cũng để giảm thiểu TTHC, Nghị định quy định không phải lập hồ sơ bổ nhiệm theo quy định trong trường hợp đổi tên cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không thay đổi mô hình tổ chức thì cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi chức vụ theo VTVL mới tương ứng; thời hạn giữ chức vụ tính theo quyết định bổ nhiệm cũ (không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm và không phải lập hồ sơ bổ nhiệm theo quy định).