Cán bộ, đảng viên 'Cần phải xem báo Đảng'

Với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo 'Cần phải xem báo Đảng' đăng trên Báo Nhân Dân số 197, từ ngày 22 - 24/6/1954. Ra đời 70 năm, bài báo vẫn giữ nguyên giá trị tư tưởng.

Hội nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tích cực đổi mới, nâng cao năng lực định hướng, hiệu quả tuyên truyền gắn với việc mua, đọc, làm theo báo, tạp chí của Đảng

Hội nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tích cực đổi mới, nâng cao năng lực định hướng, hiệu quả tuyên truyền gắn với việc mua, đọc, làm theo báo, tạp chí của Đảng

Khoảng 400 từ, bài báo có ý nghĩa sâu sắc, mang tính thời sự, không chỉ đối với bạn đọc, nhất là với cán bộ, đảng viên, đội ngũ nhà báo, đặc biệt với những người làm báo Đảng. Đó là “Đảng ta mạnh vì tư tưởng và hành động nhất trí từ trên xuống dưới.

Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng, hành động thông suốt và thống nhất; bài báo như những lớp huấn luyện giản đơn, tuyên truyền, tổ chức và quản lý hàng ngày, góp phần quan trọng nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị và năng suất về công tác của bản thân”.

Với những đồng chí thường đọc sách báo Đảng, Bác khen ngợi, biểu dương, nhận xét: “Những đồng chí Trung ương bận công việc không kém cán bộ khác, nhưng ngày nào cũng xem được sách, tạp chí và nhiều thứ báo”. Đồng thời, Bác phê bình những đồng chí viện cớ không chú ý xem sách báo, gọi đích danh đó là “bệnh lười” và “cần phải sửa chữa ngay”.

Bởi, “nếu cứ cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu sách báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ gặp lúng túng, vấp váp, hỏng việc”. Cuối bài viết, Bác nhấn mạnh: “Vô luận công việc, bận như thế nào, nếu khéo sắp công việc thì nhất định sẽ có thời gian xem sách báo, đặc biệt, cán bộ trong và ngoài Đảng, nhất là với cán bộ cốt cán cần phải xem báo Đảng”.

Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các mạng xã hội làm thay đổi không nhỏ về việc đọc báo giấy. Tuy nhiên, có thể khẳng định, trong công tác Đảng, các phương thức hay hình thức mới không thể thay thế đọc báo giấy truyền thống.

Đặc biệt, tạp chí, sách báo Đảng “là tài liệu sinh hoạt Đảng và công tác tuyên truyền rất quan trọng”, là phương tiện tuyên truyền, phổ biến kịp thời quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trình độ chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.

Đồng thời, là công cụ đấu tranh chống quan điểm, nhận thức sai trái, vạch trần luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Do vậy, việc duy trì đọc sách, báo Đảng là hết sức cần thiết, đặc biệt, khi các đối tượng ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội...

Đã 70 năm, bài viết “Cần phải xem báo Đảng” của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, ý nghĩa sâu sắc với cán bộ, đảng viên. Không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất, Bác Hồ là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, là một nhà báo vĩ đại. Trên 50 năm cầm bút, Bác là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, nhiều truyện ngắn và ký, sử dụng gần 200 bút danh, riêng bút danh "C.B" Bác dùng cho khoảng 70 bài báo, phần nhiều đăng trên báo Nhân Dân.

Mỗi con chữ, bài viết của Bác là một lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng cộng sản và con đường giải phóng dân tộc. Trong cuộc đời làm báo của mình, Bác Hồ để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo. Học Bác làm báo là học nghề chuyên nghiệp và người làm báo Việt Nam các thế hệ đã noi theo.

Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp cách mạng bằng làm báo. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã học làm báo, coi báo chí là công cụ sắc bén, thường xuyên làm công cụ giác ngộ và thức tỉnh người dân. Bác vừa là người sáng lập, lãnh đạo, phóng viên… của nhiều tờ báo, mục đích là đấu tranh giải phóng dân tộc, phục vụ nhân loại. Dưới ngòi bút sắc bén của mình, Người đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa, làm công cụ tuyên truyền cho cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ sáng lập Báo Thanh Niên.

Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam, là vũ khí sắc bén tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục quần chúng. Tờ báo còn là cầu nối tư tưởng cách mạng của Bác với dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Theo Bác, các vấn đề người làm báo phải quan tâm và nếu thực hiện tốt thì hoạt động báo chí sẽ hiệu quả, chuyên nghiệp. Cụ thể, người làm báo lấy lập trường chính trị làm chủ, cần có kiến thức, am hiểu sâu rộng về mọi mặt của đời sống, qua thực tiễn xã hội tạo ra những sản phẩm báo chí sâu sắc, giá trị cao.

Chia sẻ kinh nghiệm làm báo, Bác Hồ dạy, khi viết một bài báo, cần đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết cho công - nông - binh, viết cho mọi tầng lớp Nhân dân, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái. Viết cái gì? Viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta. Đồng thời, phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, Nhân dân, bộ đội ta.

Viết để làm gì? Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng. Viết như thế nào? Viết phải gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung. Bác khẳng định, báo chí có một địa vị vô cùng quan trọng, người làm báo phải thông tin chân thật, khách quan, nói đúng sự thật thì tuyên truyền mới có người nghe...

Những lời dạy của Người là những bài học giá trị soi vào thực tiễn hoạt động báo chí không chỉ thời hiện tại. Nghề báo hiện đại đặt ra nhiều yêu cầu, kỹ năng tác nghiệp rất mới, đòi hỏi nhà báo nhiệm vụ nặng nề, nhưng vẻ vang và cao cả. Những gì chúng ta học được từ Bác là hành trang quý giá để người làm báo vững bước trên con đường đến đích chuyên nghiệp.

Thực hiện tốt việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11-CT/TW, trong đó, đưa việc đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng trở thành nền nếp trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, xem đây là nhiệm vụ chính trị bắt buộc. Về phía người làm báo phải kịp thời tuyên truyền, phổ biến các sự kiện chính trị - xã hội, chủ trương, chính sách, pháp luật. Lưu ý, trong tuyên truyền không khô cứng, khuôn phép mà sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ hiểu đối với các tầng lớp Nhân dân.

Báo, tạp chí của Đảng tiếp tục đổi mới phương thức truyền thông, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”, tăng tính định hướng dư luận. Trong đó, quan tâm đến sự cần thiết, chọn chủ đề được bạn đọc quan tâm, đặc biệt là phải chính xác, chuẩn mực, nâng cao tính sắc bén trong đấu tranh, phê bình với cái xấu, vi phạm pháp luật.

NGUYÊN HẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/can-bo-dang-vien-can-phai-xem-bao-dang--a397556.html