Cán bộ, đảng viên đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Tại đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, có hơn 5.917 lượt ý kiến của cán bộ, đảng viên thảo luận, góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Hầu hết các ý kiến cho rằng, dự thảo các văn kiện có bố cục hợp lý; nêu bật những thành tựu đạt được qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045; công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng sát hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.

Đại biểu đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: QUỐC KIÊN

Về Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có 2.325 lượt ý kiến đóng góp. Hầu hết ý kiến cho rằng dự thảo báo cáo chính trị nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế đất nước; nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu quan trọng; văn hóa - xã hội có bước phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, tạo chuyển biến rõ nét, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới: Có 327 lượt ý kiến đóng góp. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất với đánh giá những thành tựu đạt được và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đã được phát hiện và xử lý nghiêm nhưng vẫn còn làm ảnh hưởng đến xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các đại biểu đã có những ý kiến đề nghị bổ sung câu từ, cụm từ ở các phần hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm… Về tầm nhìn và định hướng phát triển, có ý kiến còn băn khoăn về tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông gần đây căng thẳng và phức tạp hơn; tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn còn; tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tác động đến cuộc sống người dân. Về các quan điểm chỉ đạo, đề nghị bổ sung “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”. Đối với các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, các ý kiến đều thống nhất với 3 nhóm chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, có ý kiến cho rằng việc đầu tư phát triển công nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp, chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường...; thời gian tới, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phù hợp với từng vùng; có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở vùng nông thôn, nhằm góp phần giảm chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, hạn chế di cư lao động đến các thành phố lớn.

Về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Các ý kiến đề nghị cần xác định đồng bằng sông Cửu Long là vùng đặc thù về kinh tế, vì đây là vựa lúa bảo đảm an ninh lương thực của cả nước; do đó, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách đầu tư sản xuất, kiểm soát vĩ mô giá cả vật tư nông nghiệp và đầu ra cho sản phẩm nông sản, bảo đảm cho nông dân sản xuất có lợi nhuận cao hơn hiện nay. Kịp thời triển khai các dự án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, hạn, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, có ý kiến đề nghị cần quan tâm chấn chỉnh và có biện pháp uốn nắn kịp thời những tiêu cực trong ngành giáo dục và đào tạo; thực hiện việc chuẩn hóa nội dung, chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh gọn; biên soạn chương trình, nội dung sách giáo khoa ở các cấp học cho phù hợp với tất cả vùng miền trên cả nước. Có giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập; giải quyết tốt hơn vấn đề đào tạo và việc làm, vì hiện nay còn rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn. Một số ý kiến cho rằng việc đầu tư cho giáo dục hiện nay chưa tương xứng với quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho giáo dục, đặc biệt quan tâm đến các trường ở vùng khó khăn để hướng đến sự phát triển đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền. Có cơ chế, chính sách tiền lương cho giáo viên phù hợp, bảo đảm đời sống để giáo viên an tâm công tác. Đa dạng hóa phương pháp giảng dạy.

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, các ý kiến đề nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học đối với các tổ chức, cá nhân không thuộc cán bộ, công chức đang công tác ở các cơ quan nhà nước, nhằm phát huy các ý tưởng sáng tạo trong toàn xã hội. Về xây dựng và phát huy văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam: Các ý kiến cho rằng cần quan tâm đến vấn đề giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay; đề nghị có giải pháp quản lý tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc; kiểm soát và ngăn chặn kịp thời văn hóa phẩm độc hại, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến sự ổn định xã hội.

(Còn tiếp)

QUỐC KIÊN

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/1084/can-bo-dang-vien-dong-gop-vao-cac-du-thao-van-kien-trinh-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-41932.html