Cán bộ, đảng viên huyện Kế Sách góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV
Thực hiện Hướng dẫn số 03-HD/TU, ngày 5-2-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thảo luận và tổng hợp các ý kiến góp ý dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Huyện ủy Kế Sách đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý văn kiện đại hội đảng các cấp. Qua đó, có 173 lượt ý kiến của cán bộ, đảng viên góp ý cho Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hầu hết ý kiến đều bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với dự thảo và cho rằng nội dung báo cáo chính trị sát với tình hình thực tiễn của tỉnh, có nhiều điểm mới, có tầm nhìn mang tính đột phá, phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh. Các ý kiến đều thống nhất, đánh giá cao với tiêu đề dự thảo báo cáo chính trị mang tính khái quát, toàn diện, tập trung nhất về tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh đoàn kết, khát vọng của Đảng bộ và bám sát định hướng phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, có 32 lượt ý kiến đề nghị, thêm bớt về từ ngữ.
Đối với những thành tựu đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, hầu hết ý kiến cho rằng nội dung tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết mang tính tổng hợp rất cao. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, vì bài học kinh nghiệm rút ra chủ yếu tập trung về công tác xây dựng Đảng, chưa đề cập đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Có 72 lượt ý kiến đóng góp cho rằng về nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong 5 năm tới thể hiện được tầm nhìn, tư duy đổi mới và sáng tạo của Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, trong dự thảo báo cáo đã dành dung lượng phù hợp đề ra 6 giải pháp, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển. Về chỉ tiêu “Hằng năm…; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là 65%”, có ý kiến cho là thấp, đề nghị nâng lên từ 75 - 80%. Vì cho rằng, trong nhiệm kỳ tới nâng chất thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí về môi trường và phát triển chương trình sản phẩm OCOP, nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, do đó cần phải nâng tiêu chuẩn này lên để xử lý rác thải trong nông nghiệp, sinh hoạt ở các khu vực vùng nông thôn.
Về giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, dự thảo báo cáo nêu “… xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn đại lý, liên kết bao tiêu chế biến, xuất khẩu…”. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, có ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư mới hoặc mở rộng lộ nông thôn, nhất là những địa phương đã có thương hiệu, nhãn hiệu hàng nông sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản. Vì hiện nay, hầu hết các tuyến đường đến những nơi sản xuất có thương hiệu, nhãn hiệu chủ yếu là đường cho xe 2 bánh, còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa nên việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Một số ý kiến đề xuất tỉnh cần quan tâm hỗ trợ cho huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khu, cụm công nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Dự thảo nêu “… Tranh thủ Trung ương bổ sung quy hoạch, kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề…”, có ý kiến đề nghị tỉnh bổ sung chủ trương đầu tư cảng Cái Côn (An Lạc Thôn). Dự thảo nêu “… Tiếp tục đầu tư…, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành và thị xã Ngã Năm…”, một số ý kiến đề nghị tỉnh bổ sung thêm huyện Kế Sách. Vì cho rằng, Kế Sách là vùng sản xuất cây ăn trái chiếm 50%, lúa chiếm 10% diện tích toàn tỉnh, trong những năm qua do tác động triều cường, sạt lở, sụp lún, xâm nhập mặn, hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, do đó một số tuyến thủy lợi, đê bao phục vụ sản xuất đã xuống cấp, cần được quan tâm quy hoạch đầu tư, phục vụ sản xuất dài hạn trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Nhiều ý kiến cho rằng, tuy lĩnh vực nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế theo xu hướng giảm dần nhưng đây là lĩnh vực rất quan trọng trong đời sống của các hộ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 5 năm tới, ngoài các giải pháp đã nêu, tỉnh cần quan tâm bổ sung các giải pháp về chính sách và cơ chế đủ mạnh để phát triển nông nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi ngày càng phức tạp của thiên tai, dịch bệnh.
Về giải pháp tiếp tục chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa; nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện có hiệu quả tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, có ý kiến đề nghị bổ sung, điều chỉnh thành “Quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa ở cơ sở, phát triển một số môn thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh”. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp về công tác giáo dục - đào tạo, có ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm thí điểm chọn, xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh. Vì đào tạo nguồn lực con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định tăng trưởng kinh tế.
Cán bộ, đảng viên huyện Kế Sách đề nghị trong nhiệm kỳ tới, tỉnh cần chỉ đạo ngành chức năng tăng cường quản lý chặt chẽ việc khai thác nguồn tài nguyên đất đai nhằm giảm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu; đặc biệt là cần quan tâm lấy ý kiến nhân dân trước khi khai thác nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh, tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Đa số ý kiến nhất trí cao với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá - đã thể hiện tính kế thừa và phát triển của nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tỉnh quan tâm chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; phải thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức; kết hợp đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên; quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền lợi của mỗi cá nhân trên từng cương vị công tác, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên bộc lộ, phát huy tối đa năng lực của bản thân; lấy sự tiên phong, gương mẫu và kết quả hoạt động thực tiễn làm tiêu chí cơ bản để đánh giá phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, đảng viên huyện Kế Sách cũng kiến nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát vay theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn trái đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2021. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ dân được vay vốn thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; quan tâm xây dựng chợ đầu mối trái cây trên địa bàn huyện (tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu). Tỉnh cần quan tâm công tác đào tạo nghề, chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề cần có sự liên kết với các công ty, xí nghiệp để xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo nghề cho phù hợp, nhất là giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.