'Cán bộ Đoàn cần tạo dựng cho đoàn viên một lý tưởng sống'
Trưởng thành từ phong trào Đoàn và có nhiều năm gắn bó với phong trào thanh niên, bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Thái Sơn (thuộc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng), cho hay: 'Điều quan trọng nhất mà người cán bộ Đoàn cần làm, đó là tạo dựng cho đoàn viên một lý tưởng sống'.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021), bà Trần Hồng Dung chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam về những vấn đề của thanh niên ngày nay và vai trò của người đoàn viên, cán bộ đoàn, tổ chức đại diện của thanh niên.
PV: Là một người trưởng thành từ phong trào Đoàn và có thời gian tiếp xúc nhiều với các bạn thanh niên, sinh viên, đoàn viên, bà nhận thấy, vấn đề của các bạn trẻ hiện nay là gì?
Bà Trần Hồng Dung: Thế hệ nào cũng có những vấn đề riêng. Về thế hệ thanh niên ngày nay, các bạn có lợi thế hơn các thế hệ trước rất nhiều. Đặc biệt về điều kiện học tập, có đầy đủ yếu tố để giúp cho tri thức của các bạn được gia tăng và ngày càng phát triển. Đại học trở thành một cái đích mà không ít bạn đoàn viên sau khi tốt nghiệp phổ thông muốn đạt tới và sau đó là có bằng đại học. Thử thách của các bạn cũng ít đi, điều này cũng khiến các bạn có ít có điều kiện để rèn giũa và thể hiện mình.
Cụ thể, đối với các bạn trẻ hiện nay, việc "lập nghiệp" khó khăn hơn thời chúng tôi rất nhiều. Ngày xưa chúng tôi cứ việc học tốt và ra trường sẽ được Nhà nước phân công mỗi người một công việc phù hợp. Còn bây giờ, tôi đã chứng kiến rất nhiều bạn học tập tốt, trong quá trình học tập là sinh viên xuất sắc và đạt nhiều giải thưởng nhưng ra trường lại gặp khó khăn trong công việc. Thậm chí tiêu cực hơn, có nhiều bạn không có công ăn việc làm, có bạn bán nước chè hoặc đi bán quần áo, chăn màn...
Thực trạng đó đến từ sự thay đổi quá lớn của xã hội, một phần là ngành nghề mà các bạn theo học không còn, ít nhu cầu tuyển dụng. Ngược lại, cũng có những đơn vị đúng nghề các bạn theo học nhưng họ lại tuyển dụng những người không nhất thiết phải có bằng cấp đó.
Dẫu vậy, tôi thường có lời khuyên với các bạn trẻ, không phải ai cũng có khởi đầu thuận lợi, việc tốt lành sẽ đến ngay sau đó. Nhưng cốt yếu là bản thân làm việc gì cũng cần phải đam mê với nó và quyết tâm thực hiện công việc đó đến cùng thì sẽ gặt hái được thành công, kết quả tốt đẹp. Còn nếu bản thân nản chí thì sẵn sàng có cả một quân đoàn khác sẽ đi qua mình, vượt qua mình một cách nhanh chóng. Khi đó, mình sẽ trở thành một con người thiếu tất cả, đặc biệt là thiếu niềm tin.
PV: Bà vừa nói đến chất lượng công việc. Vấn đề này gắn với hành trình lập nghiệp của mỗi đoàn viên. Theo bà, hoạt động "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp" của Đoàn Thanh niên hiện nay đã thiết thực với các bạn trẻ hay chưa?
Bà Trần Hồng Dung: Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất của người cán bộ đoàn là phải tạo dựng cho đoàn viên một môi trường, một lý tưởng sống. Để các bạn biết được rằng khi ở vị trí này mình sẽ tham gia và đóng góp được gì.
Hiện nay, phong trào đoàn cũng không phải được đều khắp. Bởi sự ra đời các công ty tư nhân, các tổ chức ngoài đoàn thể rất nhiều và không phải ở nơi đâu họ cũng khuyến khích phải có những tổ chức như đoàn thanh niên, công đoàn...
Ở những nơi này, các bạn thanh niên sẽ thiệt thòi khi không được Đoàn dẫn dắt trong hành trình "lập thân, lập nghiệp". Trước tình hình này, các tổ chức Đoàn cấp trên có nhiệm vụ phải gây dựng được tổ chức của mình ở các đơn vị đó.
PV: Công ty của bà có duy trì tổ chức Đoàn?
Bà Trần Hồng Dung: Công ty tôi lúc nào cũng có tổ chức Đoàn, phụ nữ và Công đoàn. Về tổ chức Đoàn, hiện nay có 10 đoàn viên. Tôi luôn luôn đề cử 1 đồng chí trong ban lãnh đạo tham gia tham gia Ban chấp hành Chi đoàn. Hơn ai hết, tôi mong muốn người trong ban lãnh đạo phải thấu hiểu hoạt động Đoàn trong đơn vị và tạo điều kiện cho đoàn viên phát triển. Chi đoàn của chúng tôi có nhiều hoạt động phong phú, trong đó nổi bật là các hoạt động thiện nguyện. Các bạn có thể tham gia đóng góp một ngày công, quyên góp quần áo, quyên góp truyện, ủng hộ cho các hoạt động của Quỹ Mãi mãi tuổi 20.
PV: Vì sao bà lại duy trì tổ chức Đoàn trong công ty của mình?
Bà Trần Hồng Dung: Hồi niên thiếu, tôi từng ước mơ trở thành đoàn viên và rồi đã toại nguyện, được trưởng thành từ tổ chức Đoàn. Ngày trước tôi mong muốn thế nào thì nay tôi nhớ lại và nhắc nhở mình cần phải tạo điều kiện cho thế hệ mới được trưởng thành trong phong trào Đoàn. Công ty chúng tôi có hơn 80% nhân viên xuất thân từ vùng nông thôn. Tốt nghiệp xong, các bạn đều lựa chọn ở Hà Nội làm việc và cần có những hoạt động để thể hiện sức trẻ của bản thân. Bởi vậy, đơn vị chúng tôi luôn dành một phần lợi nhuận để tạo điều kiện cho các bạn hoạt động Đoàn. Về sau, các bạn ấy đền đáp cho công ty bằng việc gắn kết và hoàn thành tốt các công việc của công ty. Có thời điểm vài tháng công ty không có lương. Tôi từng chia sẻ các bạn nên xin việc làm chỗ khác nhưng chưa có một bạn nào rời công ty để đi làm nơi khác.
PV: Bà có lời khuyên gì với cán bộ Đoàn trong việc tập hợp, thu hút các bạn trẻ tham gia hoạt động?
Bà Trần Hồng Dung: Chúng ta đang sống trong một đất nước có bề dày lịch sử và để có thể tiếp nối truyền thống, các cán bộ Đoàn phải luôn luôn gương mẫu, sáng tạo, tìm ra những hoạt động phù hợp với thời điểm hiện nay. Cán bộ đoàn, tổ chức Đoàn phải là nơi hội tụ tất cả các bạn trẻ để tạo cho họ động lực, niềm tin vào tổ chức. Đoàn hãy luôn là điểm đến cuốn hút người trẻ - lực lượng quan trọng nhất của xã hội và cũng là lứa tuổi đẹp nhất của mỗi người.