Cán bộ đoàn xã truyền lửa tình yêu văn hóa dân tộc Êđê
Anh Thái Quang Êban - Phó Bí thư Đoàn xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, múa xoang miễn phí cho thanh thiếu niên trên địa bàn xã. Qua lớp học, anh muốn lan tỏa, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Êđê.
Lớp học đánh chiêng trên địa bàn buôn Ko Tam, xã Ea Tu, có hơn 20 thanh thiếu niên trong buôn tham gia. Mỗi tuần 2 buổi, các bạn được các nghệ nhân và anh Thái Quang trực tiếp dạy miễn phí. Để thuận tiện cho việc truyền dạy, anh Thái Quang còn phục dựng lại ngôi nhà dài truyền thống làm nơi sinh hoạt và học tập cho các em.
Anh Thái Quang Êban - Phó Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã Ea Tu chia sẻ, từ bé anh đã theo cha, mẹ của mình tham gia các lễ hội của buôn, đam mê tiếng cồng chiêng và anh quyết tâm học đánh chiêng. Gần đây, nhận thấy cồng chiêng của dân tộc mình có nguy cơ mai một, anh đã đứng ra vận động thanh thiếu niên trong buôn tham gia lớp học.
Hè năm 2023, anh Thái Quang đã mở lớp dạy đánh chiêng. Đến nay, thành viên trong đội chiêng đã tự tin thể hiện được các bài chiêng truyền thống của dân tộc Êđê. Đội chiêng trẻ của anh đã tham gia biểu diễn tại một số khu du lịch trong tỉnh, các chương trình của buôn, xã, thành phố và tại không gian nhà dài khi có những đoàn khách quốc tế trong và ngoài tỉnh có nhu cầu thưởng thức.
“Khi biết anh Quang mở lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên trong buôn, em liền đăng ký tham gia. Bây giờ em vừa biết đánh chiêng, vừa tự tin, lại được đi biểu diễn, em thích lắm”, em Y Hữu Buôn Tô chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư đoàn xã còn mở thêm lớp múa xoang gần 10 học viên theo học. Hiện, các học viên đã múa nhuần nhuyễn những bài múa dân gian của dân tộc Êđê và thường xuyên cùng đội chiêng tham gia biểu diễn.
Anh Thái Quang cho biết, dự định sắp tới muốn lan tỏa và trao truyền nhiều hơn cho thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương nói riêng và thanh niên dân tộc thiểu số thành phố nói chung gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê.
“Tôi mong muốn mỗi buôn sẽ có thêm những hạt giống, vừa có niềm đam mê, vừa có khả năng trau dồi kiến thức. Mai đây, khi đã học thành thạo các bạn sẽ là cánh tay nối dài để văn hóa truyền thống được lan tỏa và bảo tồn”, anh Thái Quang nói.
Theo anh Thái Quang, thông qua lớp học, không những giúp thế hệ trẻ ý thức về trách nhiệm của cá nhân trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình mà còn gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng trong tương lai.
Trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số với niềm đam mê văn hóa truyền thống, đã mở những lớp dạy chiêng và nhạc cụ dân tộc. Điển hình là lớp học của anh Y Bây Kbuôr tại buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu). Trước đây, anh Y Bây là cán bộ đoàn xã.