Cán bộ đoàn xung kích xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM

Nhiều cán bộ đoàn đã tham gia và có nhiều đóng góp vào tổ công tác xây dựng, triển khai đề án xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Chỉ hơn hai tháng nữa, việc tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM theo quy định tại Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội sẽ tròn một năm đi vào thực hiện.

Để nghị quyết này được các cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng như đi vào thực hiện hiệu quả thì các sở, ban ngành của TP.HCM đã quyết liệt trong tham mưu cho UBND TP. Trong đó, đội ngũ cán bộ đoàn của TP.HCM đã chủ động nghiên cứu các quy định, tham gia hết mình vào quá trình tham mưu đó để làm sao nghị quyết đi vào đời sống, là động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển.

Bà Châu Minh Hiền, Bí thư đoàn Sở Nội vụ TP.HCM (giữa), đang trao đổi công việc tại đơn vị. Ảnh: HƯƠNG LÊ

Bà Châu Minh Hiền, Bí thư đoàn Sở Nội vụ TP.HCM (giữa), đang trao đổi công việc tại đơn vị. Ảnh: HƯƠNG LÊ

Xa nhà, ăn, ngủ cùng đề án

Là một trong những thành viên thường trực của Tổ công tác xây dựng và triển khai đề án xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM, bà Châu Minh Hiền, Bí thư đoàn Sở Nội vụ TP.HCM, đã trực tiếp tham mưu các nội dung chuyên đề của đề án, các hồ sơ trong thành phần quy định khi trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Theo bà Hiền, đề án được ấp ủ từ những năm 2007 nhưng cơ sở pháp lý chưa thật sự vững vàng. Đến năm 2019, với cơ sở pháp lý được hoàn thiện, cơ sở thực tiễn vững chắc, tổ công tác một lần nữa xây dựng lại đề án với bố cục, kết cấu, nội dung phù hợp với quy định và yêu cầu của tình hình mới.

Bà Châu Minh Hiền, Bí thư Đoàn Sở Nội vụ TP.HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Châu Minh Hiền, Bí thư Đoàn Sở Nội vụ TP.HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhớ lại thời điểm đó, bà Hiền cho rằng khó khăn lớn nhất chính là “quá nhiều việc nhưng lại quá ít thời gian”. Bởi dù TP được các cơ quan trung ương hỗ trợ xuyên suốt, hết sức tạo điều kiện, cho phép trình đề án theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, để đảm bảo quy trình và chất lượng hồ sơ theo quy định, thành viên tổ công tác đã thật sự “ăn, ngủ cùng đề án”.

Sáng nay (15-4), Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027 chính thức khai mạc. Trước khi vào phiên khai mạc, đoàn sẽ đến dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong ngày làm việc đầu tiên, đại hội sẽ thảo luận các văn kiện và dự thảo đề án nhân sự Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, sau đó đại hội sẽ bầu Ban chấp hành Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP khóa IV nhiệm kỳ 2022-2027.

Sáng 16-4, đại hội sẽ thông qua nghị quyết và bế mạc.

“Giai đoạn nước rút, chúng tôi đã dành thời gian tại thủ đô nhiều hơn ở nhà, vì đa số các cuộc hội thảo, hội nghị góp ý kiến, hội nghị thẩm định, các cuộc họp bổ sung, điều chỉnh dự thảo... đều diễn ra tại Hà Nội” - bà Hiền kể và cho biết áp lực càng lớn hơn khi đề án cần được trình tại kỳ họp lần thứ 10 Quốc hội khóa XIV (năm 2020). Bởi đây gần như là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ, nếu không kịp trình, TP có thể phải chờ thêm năm năm nữa.

Cùng thời điểm này, TP cũng phải trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM nên càng thêm áp lực. Tuy nhiên, với quyết tâm to lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP, sự chung tay của các cơ quan trung ương và nỗ lực của mỗi thành viên tham gia thực hiện đề án, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị vào ngày 16-11-2020. Từ đó, TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên của cả nước được thực hiện ngay tổ chức chính quyền đô thị mà không phải tiếp tục thí điểm.

Áp lực công việc khi quận, phường không còn là một cấp ngân sách

Một trong những nội dung quan trọng của chính quyền đô thị chính là công tác tài chính - ngân sách. Bởi lúc này quận, phường không còn là một cấp ngân sách mà sẽ là đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND TP.HCM.

Ông Hồ Phúc Vinh, Bí thư đoàn Sở Tài chính. Ảnh: HUY BẰNG

Ông Hồ Phúc Vinh, Bí thư đoàn Sở Tài chính. Ảnh: HUY BẰNG

Ông Hồ Phúc Vinh, Bí thư đoàn Sở Tài chính, cho biết đảm nhiệm chính việc tham mưu các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách, đoàn viên, thanh niên Sở Tài chính đã chủ động nghiên cứu, tham mưu tích cực để hướng dẫn 16 quận xử lý các vấn đề tài chính khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Trong đó có các nội dung về công tác quyết toán ngân sách địa phương năm 2020, tổ chức điều hành dự toán ngân sách năm 2021, xử lý các khoản tạm ứng của ngân sách quận, cũng như thống kê toàn bộ tài sản công do các địa phương quản lý.

Đồng thời, Sở Tài chính cũng phải xử lý các vướng mắc, khó khăn của các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc UBND 16 quận. Cụ thể như bổ sung, điều chỉnh các khoản kinh phí không thường xuyên chưa được giao dự toán, tăng (giảm) dự toán giữa các lĩnh vực, xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, quản lý sử dụng tài sản công được giao (nếu có)…

Nắm cơ sở để chia sẻ với khó khăn của
người dân, doanh nghiệp

Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP mong muốn các đoàn viên, thanh niên phải tăng cường nắm cơ sở và hiểu, chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp TP.

Bởi công tác tham mưu không thể đơn thuần là ngồi trên bàn giấy mà làm tốt được. Đồng thời phải mạnh dạn, sáng tạo đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp đột phá hơn, đóng góp vào sự phát triển của TP.

Ông NGUYỄN ĐĂNG KHOA,
Bí thư đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-bo-doan-xung-kich-xay-dung-chinh-quyen-do-thi-tai-tp-hcm-post675781.html