TP.HCM thực hiện 6 giải pháp thu hút nguồn lực kiều hối
TP.HCM xác định kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, kiều hối chuyển về thành phố từng bước dịch chuyển vào thị trường chứng khoán, đầu tư trái phiếu, hợp tác sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản…
UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt "Đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030". Theo đó, đề án có hiệu lực thực hiện từ ngày 26.9.2024.
Đề án cho biết, thống kê của TP.HCM có khoảng 2,8 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ với thành phố trên tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (chiếm khoảng gần 50% số lượng người Việt Nam ở nước ngoài của cả nước). Trong đó:
Thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài thứ nhất di cư từ thành phố sang nước ngoài trước và sau năm 1975. Thế hệ này đa số lớn tuổi, chuyển kiều hối về thành phố không nhiều, chủ yếu hỗ trợ cho người thân và gia đình.
Thế hệ người Việt Nam thứ hai trở đi gồm con cháu của thế hệ thứ nhất, thân nhân được bảo lãnh, học sinh, sinh viên đi du học và ở lại sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Thế hệ này đa số trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn và việc làm ổn định, hòa nhập nhanh và có uy tín trong cộng đồng nước sở tại. Nguồn kiều hối của thế hệ này gửi về mang tính chất đầu tư khá lớn.
Thế hệ người đi xuất khẩu lao động hiện đang làm việc, lao động tự túc hoặc theo hợp đồng ký kết với các công ty xuất khẩu lao động và thành phần trước đây đi hợp tác lao động, sau đó ở lại định cư. Kiều hối chuyển về phần lớn hỗ trợ gia đình, đầu tư, kinh doanh.
TP.HCM là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, kiều hối chuyển về thành phố hằng năm chiếm từ 38 - 53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam. Theo thống kê từ năm 2012 đến năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, nguồn kiều hối chuyển về thành phố thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, công ty kiều hối trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ ước đạt hơn 65 tỷ USD, với mức tăng trung bình từ 3% đến 7%/năm.
Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất (ước khoảng hơn 2 triệu người). Tiếp theo là Anh, Úc, Canada. Lượng kiều hối qua xuất khẩu lao động, chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào năm 2020, kiều hối chuyển về thành phố đạt kỷ lục 6,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vào năm 2021, kiều hối gửi về thành phố đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 9% so năm 2020.
“TP.HCM xác định kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, kiều hối chuyển về thành phố từng bước dịch chuyển vào thị trường chứng khoán, đầu tư trái phiếu, hợp tác sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản. Đây là xu hướng tích cực, góp phần trực tiếp vào việc mở rộng đầu tư trong nước, tạo việc làm trong nền kinh tế và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Dù kiều hối được sử dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh hay tiết kiệm tiêu dùng cá nhân thì đều là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Kiều hối luôn là nguồn vốn hết sức quan trọng, về mặt chi phí sử dụng cũng như bản chất khác biệt so với các nguồn vốn khác, vì vậy tính hiệu quả mang lại rất lớn. Do đó, việc khai thác hiệu quả nguồn lực kiều hối giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước”, đề án nêu.
Theo đề án, hiện nay người Việt Nam lao động và học tập tại nước ngoài ngày càng tăng, thúc đẩy nhu cầu gửi tiền về Việt Nam ngày càng cao với các mục đích khác nhau (đầu tư, kinh doanh, trả nợ ngân hàng, hỗ trợ gia đình). Khảo sát trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài của đại diện các Hội doanh nhân người Việt Nam tại các nước ghi nhận thế hệ người Việt Nam thứ hai ở nước ngoài đang quan tâm trở về Việt Nam đầu tư, đặc biệt là nhu cầu trợ giúp pháp lý xin giấy phép đầu tư, chuyển nguồn tiền, hợp tác đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, kiều hối mang giá trị tinh thần, thể hiện truyền thống yêu quê hương và tình cảm gia đình. Đặc biệt, vào dịp Tết, lượng kiều hối chuyển về tăng cao qua hệ thống chuyển tiền cũng như trực tiếp khi người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động về quê đón Tết. Cùng với vốn ngoại tệ từ thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối hỗ trợ vào nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, đề án cho biết vẫn còn một số hạn chế trong thu hút nguồn kiều hối:
Các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể kinh tế của thành phố chưa kết nối, phối hợp để định hướng sử dụng và phát huy nguồn lực kiều hối. Thành phố chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nguồn kiều hối vào sản xuất, kinh doanh; để định hướng và phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp, các thị trường cụ thể đáp ứng nhu cầu và sự phù hợp của người Việt Nam ở nước ngoài với các mức thu nhập khác nhau.
Thành phố hiện mang vai trò trung chuyển nguồn kiều hối, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Thành phố chưa định hướng mục tiêu cụ thể của việc thu hút nguồn lực kiều hối. Mục tiêu cần bao gồm mục tiêu tổng thể trong thời gian dài và các mục tiêu cụ thể trong các giai đoạn ngắn hơn so với mục tiêu tổng thể.
Thành phố chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; công tác đào tạo chuyên môn cho người lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Văn hóa sử dụng tiền mặt, cơ sở hạ tầng và dịch vụ của ngân hàng chưa thuận tiện nên một lượng kiều hối vẫn chuyển thông qua kênh không chính thức khiến thành phố khó thống kê chính xác lượng kiều hối thực tế để định hướng nguồn vốn này vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đề án đưa ra 6 giải pháp để thu hút, phát huy nguồn lực kiều hối:
Giải pháp về thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (Tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua các kênh phát thanh, truyền hình phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài, truyền hình internet hoặc hệ thống truyền hình của nước sở tại; Tranh thủ, phát huy các phương tiện truyền thông của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho người Việt Nam ở nước ngoài về tình hình đất nước; Quán triệt và xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Thông qua người Việt Nam ở nước ngoài, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và vận động bạn bè quốc tế; Tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách kiều hối của thành phố để xúc tiến, thu hút nguồn lực kiều hối từ mọi thành phần, nhất là lực lượng lao động trẻ ở nước ngoài; Đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn kiều hối, sử dụng hiệu quả nguồn vốn kiều hối; Tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, tổ chức quảng bá du lịch, văn hóa của thành phố đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…);
Đối với thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM (Thông tin, tuyên truyền vai trò của nguồn lực kiều hối đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các chính sách mới nhằm tạo niềm tin cho thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân thành phố nói chung và thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn thành phố; Quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài đối với các chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài…); Đối với hệ thống chính trị TP.HCM (Tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức thành phố về vai trò của nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và nguồn lực kiều hối nói riêng; đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…).
Giải pháp về cơ chế, chính sách để thu hút kiều hối: Chính sách tài chính - tiền tệ (Xây dựng chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và kiều hối phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững (Định hướng nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính (thị trường chứng khoán, cổ phiếu...) hình thành kênh dẫn vốn từ người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm đến người kinh doanh; Tạo điều kiện cho tổ chức tài chính, công ty chuyển tiền quốc tế ở nước ngoài mở mạng lưới chi trả kiều hối tại TP.HCM; Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép mở tài khoản cho người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng, được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn…);
Định hướng phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế gồm các tổ chức tài chính, công ty kiều hối trên địa bàn thành phố (Xây dựng các chương trình miễn, giảm các loại phí dịch vụ, ưu đãi lãi suất gửi tiền ngoại hối từ người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về Việt Nam nhằm hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh; Nghiên cứu đề xuất xây dựng sản phẩm “tài khoản song song”, một trong các tài khoản được dùng để gửi tiền về cho gia đình tại TP.HCM và người thân của họ tại thành phố được toàn quyền sử dụng tài khoản đó. Tài khoản thứ hai chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mới có thể truy cập và có thể được sử dụng để tích lũy tiền cho đầu tư sau này; Hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như: quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất vừa và nhỏ, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài... để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt tại nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối…);
Chính sách tăng nguồn và chất lượng lao động người Việt ở nước ngoài có liên quan đến thành phố (Xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động mới. Tạo điều kiện cho các công ty tuyển dụng nước ngoài xúc tiến hợp tác, tiếp nhận người lao động Việt Nam; Định hướng các công ty xuất khẩu lao động liên kết với ngân hàng, kết hợp đào tạo, hướng dẫn người lao động thực hiện chuyển tiền về Việt Nam thông qua tổ chức chính hoặc công ty chuyển tiền nhằm đảm bảo lợi ích của người đi xuất khẩu lao động…); Phát triển các loại hình thị trường, các ngành kinh tế, các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Định hướng nguồn lực kiều hối tham gia vào các loại hình thị trường, bao gồm thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường sử dụng và thị trường lao động thông qua cung cấp cơ sở hạ tầng, quy định và quyết định hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện công bằng và cạnh tranh cho các nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài; Định hướng nguồn kiều hối vào xây dựng và phát triển các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ cao với các gói chính sách hỗ trợ đặc biệt….); Cải cách thủ tục hành chính…
Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư: Nghiên cứu đề xuất các chính sách định hướng kiều hối đầu tư sản xuất và các lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe cộng đồng, năng lượng, y tế, khoa học và công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao; Định hướng nguồn kiều hối đầu tư vào các công trình cộng đồng như bệnh viện, trường học, nhà máy nước để cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo ra các cơ hội đầu tư và kinh doanh;
Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng để thu hút các nhà đầu tư. Xây dựng môi trường cạnh tranh minh bạch và ổn định, đảm bảo quyền lợi và sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp và người Việt Nam ở nước ngoài;
Xây dựng các chính sách hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước để kêu gọi các doanh nghiệp các nước về TP.HCM hợp tác đầu tư; Nghiên cứu kỹ các quy định để đề xuất chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển thành phố. Đề xuất các chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư sử dụng nguồn kiều hối...
Giải pháp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch cho người Việt Nam ở nước ngoài: Nghiên cứu, xây dựng các trung tâm văn hóa, du lịch phù hợp với điều kiện tại các nước có đông người Việt Nam sinh sống, kết hợp cung cấp thông tin về tình hình đất nước và thành phố; Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển như: Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, phim trường, trung tâm chiếu phim hiện đại, trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng, rạp xiếc và biểu diễn đa năng, nhà triển lãm quốc gia, trung tâm giám định và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, không gian công cộng và phố đi bộ... Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường nghệ thuật tại TP.HCM;
Nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa để kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ nguồn lực, phát huy giá trị sáng tạo, mở rộng thị trường nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế;
Phát huy hiệu quả “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Điểm hẹn kiều bào” để người Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu và trải nghiệm về di sản văn hóa, lịch sử, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với công tác kiều bào; tuyên truyền, phố biến văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh đến cộng đồng kiều bào trên thế giới; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, di tích lịch sử, các sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc thù của thành phố. Tổ chức các sự kiện văn hóa, sản phẩm, thương hiệu tiêu biểu của thành phố…
Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực: Thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm thiết lập chương trình đào tạo song song, thực tập và các dự án nghiên cứu chung để đảm bảo sự phù hợp giữa giảng dạy và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp…
Giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước: Hình thành các hiệp hội chuyên ngành, mở rộng hợp tác giữa người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức tại thành phố. Mở rộng các hội đoàn trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài để thu hút các ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, là đầu mối để phối hợp, tiếp cận trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thành phố và xây dựng mạng lưới kết nối xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về thành phố sinh sống, làm việc…
“Không can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối, không đặt chỉ tiêu tăng trưởng kiều hối, nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn để làm phong phú, đa dạng nguồn kiều hối về thành phố được thông suốt và phát huy tối đa hiệu quả nguồn kiều hối, đồng bộ với các chính sách huy động nguồn lực phát triển thành phố nói chung, nhất là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030…”, đề án nêu.
Minh Hoàng - Phạm Tuấn
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM từ 2019 - 6.2024
Năm 2019 TP.HCM nhận lượng kiều hối cao nhất cả nước, khoảng 5,6 tỷ USD (khoảng 130.000 tỷ đồng). Năm 2020, kiều hối chuyển về thành phố đạt 6,1 tỷ USD (khoảng 140.000 tỷ đồng). Năm 2021, kiều hối chuyển về thành phố hơn 7 tỷ USD (khoảng hơn 150.0000 tỷ đồng), cao nhất trong 10 năm gần đây, chiếm hơn 50% số lượng kiều hối của cả nước. Năm 2022, kiều hối chuyển về thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước với 6,6 tỷ USD, chiếm khoảng 50% số lượng kiều hối của cả nước.
Năm 2023 kiều hối chuyển về thành phố đạt gần 9,5 tỷ USD (khoảng 228.000 tỷ đồng), tiếp tục chiếm hơn 50% số lượng kiều hối của cả nước, gấp gần 3 lần vốn FDI đầu tư trực tiếp vào thành phố (3,4 tỷ USD), gấp hơn 3 lần tổng số vốn đầu tư công năm 2023 thành phố được giao là hơn 68.600 tỷ đồng, bằng 1/7 tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố năm 2023 ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, bằng ½ tổng thu ngân sách thành phố (439.288 tỷ đồng) và gần bằng 2/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố năm 2023 (ước tính 370.607,8 tỷ đồng)...
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kiều hối chuyển về thành phố đạt 5,18 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nhân lực và thị trường lao động nước ngoài tiếp tục tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024.