Cán bộ, giảng viên ở Quảng Nam bị 'treo' lương, đồng loạt nghỉ việc: Giải quyết thế nào?
Suốt 6 tháng, 17 cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam bị nợ lương khiến cuộc sống chật vật. Cực chẳng đã, họ cùng ký đơn đồng loạt nghỉ việc.
Các cán bộ, giảng viên nhà trường cho hay, 6 tháng qua (từ tháng 6 đến nay), họ bị nợ lương khiến cuộc sống chật vật, phải vay mượn để chi tiêu, thậm chí có người phải cắm sổ đỏ để cầm cự. Một giáo viên công tác tại trường gần 20 năm chia sẻ. “Biết bao nhiêu khoản phải chi tiêu, sinh hoạt trong một tháng, riêng khoản lo cho con học đại học tại TPHCM mỗi tháng đã hết 8 triệu đồng rồi. Vay mượn khắp người thân bạn bè rồi nên đành đi cầm cố sổ đỏ hơn 100 triệu đồng để cầm cự”.
Cuối cùng, 17 cán bộ, giảng viên thuộc Khoa Điều dưỡng và Khoa Y tế cơ sở của trường đã gửi thông báo quyết định ngừng việc tập thể từ ngày 18/12 tới lãnh đạo nhà trường. Ngày 14/12, toàn thể giáo viên, nhân viên Khoa Y tế cơ sở tổ chức cuộc họp về chậm trả lương và các khoản phụ cấp khác.
Biên bản cuộc họp viết: “Chúng tôi đã nhiều lần chất vấn Hiệu trưởng về lương và các khoản phụ cấp, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được giải quyết. Thực tế cuộc sống của bản thân những giáo viên và nhân viên trong khoa lâm tình cảnh hết sức khó khăn, vay mượn nhiều nơi để trang trải cuộc sống; do đó chúng tôi không đủ khả năng để tiếp tục thực hiện công tác giảng dạy và các nhiệm vụ khác được giao”.
Tại Khoa Điều dưỡng, việc ngừng hoạt động giảng dạy sẽ ảnh hưởng tới 6 lớp D17A, D17B, D18A, D18B, Y26, D6S. Các học phần bị ảnh hưởng là Vận động nội tiết, Tâm lý - kỹ năng giao tiếp, thực hành tại trường, thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam…
Ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, thừa nhận việc chậm lương đã ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, giảng viên. Lý do việc nợ hơn 5,7 tỷ đồng tiền lương của 114 cán bộ, giảng viên là do dự toán kinh phí đầu năm đã thấy không hợp lý, UBND tỉnh giao chỉ tiêu bình quân sinh viên. Cụ thể, dự toán kinh phí tại trường cả năm 8,5 tỷ đồng, thu tiền từ gần 500 sinh viên 3 tỷ đồng, tổng hơn 11 tỷ đồng. Giảm trừ dự toán 3,8 tỷ đồng, số tiền còn lại không đủ cho chi phí trả tiền lương.
Sau khi nhận đơn của cán bộ, giảng viên liên quan quyết định ngừng việc tập thể vì nợ lương kéo dài, lãnh đạo trường đã làm việc với người lao động để tìm hướng giải quyết. Sau cuộc họp, hai bên thống nhất cán bộ, giảng viên tiếp tục làm việc đến hết ngày 31/12.
“Ngày 12/12, nhà trường đã làm việc với UBND tỉnh cùng các cấp đề xuất phương án xử lý, tạm hoãn khấu trừ dự toán hằng năm của nhà trường trong năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025”, ông Tuấn nói, và cho hay trường cũng đề xuất lên Tỉnh ủy, HĐND, UBND để có phương án hỗ trợ. Cùng với đó, trong những năm tới, đề xuất đối với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam với đặc thù khó tuyển sinh nên xin hỗ trợ đảm bảo quỹ lương để cán bộ, giảng viên yên tâm công tác.
Tại cuộc họp giao ban ngày 18/12, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất quyết định cấp 1,239 tỷ đồng cho Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Số tiền này được trích từ nguồn sự nghiệp đào tạo chưa phân bổ trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023, để đào tạo lưu học sinh Lào năm 2022.
Về khoản tiền nợ lương còn lại thì trường đợi Ban thường vụ Tỉnh ủy đồng ý phương án tạm hoãn khấu trừ dự toán hằng năm của nhà trường năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, để tạo nguồn trả lương cho cán bộ, giảng viên.
HOÀI VĂN