Cán bộ Hải quan tiếp tay cho doanh nghiệp buôn lậu

Biết nhập khẩu hàng điện tử điện lạnh đã qua sử dụng là trái phép nhưng cán bộ nghiệp vụ Hải quan tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp (DN) vẫn mở công ty ma, nhập khẩu hàng sai thực tế tờ khai hải quan.

Gặp đầu nậu buôn lậu, cán bộ hải quan nhúng chàm

TAND TP.Đà Nẵng ngày 9-1 xét xử sơ thẩm vụ án “Buôn lậu” đối với: Nguyễn Quang Dũng (SN 1977, ngụ P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) – cán bộ Phòng nghiệp vụ Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam; Đinh Hải Tiến (SN 1986, ngụ P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng); Lê Bảo Hoài Linh (SN 1975, ngụ xã Tam Đàn, H.Phú Ninh, Quảng Nam) – kỹ sư xây dựng và Lê Viết Vương (SN 1993, ngụ xã Duy Thu, H.Duy Xuyên, Quảng Nam).

Các bị cáo buôn lậu tinh vi phải lãnh án.

Các bị cáo buôn lậu tinh vi phải lãnh án.

Đây là vụ việc được Báo Công an TP.HCM phản ánh, cung cấp thêm hồ sơ đến cơ quan chức năng qua loạt bài: “Lô hàng lậu 500 triệu đồng lọt qua hải quan bằng cách nào”? (ngày 15-3-2018); “Vụ lô hàng lậu lớn “lọt” hải quan: Ai chịu trách nhiệm”? (ngày 7-5-2018); “Bắt cán bộ Hải quan để điều tra hành vi buôn lậu” (ngày 15-6-2018) và “Vụ Bắt cán bộ Hải quan để điều tra hành vi buôn lậu: Khởi tố thêm hai đối tượng” (ngày 18-6-2018).

Theo cáo trạng, Thuần chuyên kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng của nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam tại TP.HCM. Khi bị siết chặt ở TP.HCM, Thuần chuyến hướng nhập hàng qua cảng Đà Nẵng rồi trung chuyển vào TP.HCM để tiêu thụ. Tháng 5-2017, Thuần làm quen và nhờ Dũng tìm DN làm thủ tục nhập khẩu hàng. Dũng nhận lời.

Dũng quen Đinh Hải Tuấn (SN 1981, ngụ P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) – Giám đốc Công ty TNHH F.D.T (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) - làm dịch vụ vận tải biển. Dũng, Thuần bàn với Tuấn đứng ra làm thủ tục nhập hàng. Tuấn biết hàng cấm nhập khẩu từ chối bằng cách đưa ra giá cao.

Sau khi thương lượng, các đối tượng thống nhất vận chuyển hàng từ Cảng về kho Cty FDT để sang hàng và thuê bốc vác với giá 3,5 triệu đồng/container. Mọi chi phí do Thuần trả và mỗi lô hàng nhập về thì Dũng được 40 triệu đồng.

Đầu tháng 6-2017, Dũng nhờ Linh tìm DN đứng ra nhập hàng cho Thuần. Biết hàng vi phạm, Linh hỏi Dũng nếu bị bắt thì sao? Dũng nói: “Tìm người nào có văn hóa thấp, ít quan hệ xã hội để mở Cty và làm giám đốc, trụ sở thì xa trung tâm, ít người biết. Nếu bị bắt thì không xác đinh được địa chỉ, tên giám đốc”.

Linh mượn chứng minh thư của Trần Minh Thương (SN 1971, ngụ thôn Thạnh Hòa 2, xã Tam Đàn, H.Phú Ninh, Quảng Nam) và Nguyễn Cao Cường (SN 1983, ngụ thôn Phú Mỹ, xã Tam Đàn) làm thủ tục thành lập Cty TNHH May Hưng Đại Phát và Cty TNHH May Gia Đạt.

Trụ sở Công ty TNHH F.D.T nơi các đối tượng tập kết hàng nhập lập sau đó trung chuyển đi TP.HCM và các địa phương để tiêu thụ.

Trụ sở Công ty TNHH F.D.T nơi các đối tượng tập kết hàng nhập lập sau đó trung chuyển đi TP.HCM và các địa phương để tiêu thụ.

Các đối tượng làm thủ tục nhập hàng từ nước ngoài. Linh giả chữ ký rồi nộp đơn của 2 Cty trên để nộp hồ sơ tờ khai hải quan vào Cảng Kỳ Hà. Dũng nộp hồ sơ nhập hàng tại Cảng Đà Nẵng. Hàng được đưa vào danh sách container đủ điêu kiện qua khu vực giám sát, được thông quan, chở đến kho của Cty FDT tại 25 Phạm Văn Xảo (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Mỗi chuyến trót lọt, Thuần đưa Dũng 40 triệu đồng, Dũng chia cho Linh 20 triệu đồng.

Thấy việc mở tờ khai thủ công tốn nhiều thời gian, Dũng nhờ Bùi Anh Hải (SN 1986, ngụ xã Đại Hồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam; nhân viên khai báo hải quan cho Cty FDI) - là em con dì của Dũng làm thủ tục mở tờ khai hải quan điện tử bằng thông tin của 2 Cty trên.

Hàng nhập về, được phân luồng vàng (chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra thực tế) và cho thông quan thì Tiến nhận hàng. Từ tháng 6 đến cuối tháng 10-2017, Cty Hưng Đại Phát 10 lần nhập khẩu 11 container; Cty May Gia Đạt 10 lần nhập cho 15 container và đều được đưa vào kho của Cty FDT để sang hàng.

Đối tượng cầm đầu bỏ trốn

Đầu tháng 11-2017 sợ bị phát hiện, Dũng nói với Linh và Tiến là nghỉ nhưng Thuần thuyết phục, nói lỡ mua rồi, không giao dịch thì bị phá sản. Dũng đồng ý, được chi thêm 20 triệu đồng/container. Ngày 20-11-2017, Dũng nhận được vận đơn nhập khẩu, báo Cty May Gia Đạt có 2 container máy móc ngành may nhập khẩu từ Nhật Bản. Hàng thông quan tại Cảng Đà Nẵng rồi nhập về kho của Cty FDT.

Lúc 20 giờ 10 ngày 22-11-2017, lực Bộ Chỉ huy BĐBP TP.Đà Nẵng phát hiện và lập biên bản vụ vận chuyển, nhập hàng lậu (hồ sơ tờ khai hải quan là hàng máy móc ngành may mới 100% nhưng trong là hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng) gồm: 30 tủ lạnh, 165 máy giặt, 95 cục nóng và lạnh máy điều hòa, 59 nồi cơm điện… Số tài sản được định giá hơn 573 triệu đồng.

Một số hàng lậu trong vụ án “Buôn lậu”.

Một số hàng lậu trong vụ án “Buôn lậu”.

Ngày 5-2-2018, BĐBP TP.Đà Nẵng khởi tố vụ án “Buôn lậu” và chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng. Ngày 15-6-2018, Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt Dũng và lần lượt bắt các đối tượng sau đó. Các đối tượng còn khai nhận, quá trình mở tờ khai, thông quan hàng hóa qua cảng, có “bồi dưỡng” cho ông Phan Văn Phú – Phó Chi cục hải quan cửa khẩu Cảng Kỳ Hà hàng chục triệu đồng.

Vụ án này, Thuần đóng vai trò chủ mưu, đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Dũng, Vương, Linh, Tiến giúp sức. Đối với những lô hàng trước, tuy các đối tượng khai nhận nhưng không đủ chứng cứ nên không xử lý.

Các cán bộ hải quan: Phan Văn Phú, Lê Khắc Hiểu và Phan Thanh Đức không đủ cơ sở kết luận nhận tiền như lời khai của các bị can nên không xử lý hình sự. Một số đối tượng khác có liên quan nhưng thời hạn điều tra đã hết nên Cơ quan CSĐT ra Quyết định tách vụ án hình sự vào ngày 29-3-2019 để tiếp tục điều tra, xử lý trong vụ án khác.

Qua xem xét hồ sơ chứng cứ, lời khai các bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Quang Dũng 4 năm tù giam; Đinh Hải Tiến 3 năm 6 tháng tù; Lê Viết Vương và Lê Bảo Hoài Linh cùng 4 năm tù về tội “Buôn lậu”.

Một bị cáo khai nhận hành vi vi phạm.

Một bị cáo khai nhận hành vi vi phạm.

Hoàng Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/can-bo-hai-quan-quang-nam-va-doanh-nghiep-buon-lau_86061.html