Cán bộ hòa giải có uy tín, khéo dân vận
Nhiều năm gắn bó cùng 'nghề' hòa giải, với tấm lòng nhiệt huyết, đam mê, không quản nắng mưa, ông Ngô Ngọc Sinh, Tổ trưởng Tổ hòa giải 1 (thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) như con thoi chăm chỉ ngày ngày se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm…
Ông Ngô Ngọc Sinh năm nay 54 tuổi, với khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt tinh nhanh, dáng người khỏe mạnh và giọng ôn hòa, ấm áp. Trong căn phòng tiếp dân tại trụ sở UBND xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, ngồi nghe ông say sưa kể chuyện hòa giải khiến tôi cũng thấy vui và bị cuốn theo từng câu chuyện ông kể. Ông bảo, “nghề” hòa giải cứ tưởng dễ mà lại rất khó.
Qua câu chuyện có thể cảm nhận được tình cảm sâu sắc ông dành cho địa phương mình, đặc biệt là tình yêu và niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở mà ông đã đảm nhận nhiều năm nay.
Ông Sinh bắt đầu đảm nhiệm Tổ trưởng Tổ hòa giải từ năm 2016. “Năm 2016, tôi làm tổ trưởng tổ hòa giải. Nhưng thời gian tham gia tổ hòa giải với tư cách hòa giải viên thì tôi đã làm rất lâu rồi”, ông Sinh cho biết.
Là Tổ trưởng Tổ hòa giải, ông Sinh chọn hướng giải quyết sự việc bằng giải pháp uyển chuyển, ở góc độ “tình làng nghĩa xóm”.
Ông Ngô Ngọc Sinh chia sẻ: “Mâu thuẫn xuất phát từ nhiều yếu tố, để giải quyết hài hòa mâu thuẫn có nhiều cách, với tôi cái tình vẫn là yếu tố cốt lõi. Tôi vẫn thường nhắn nhủ mọi người sống xung quanh, sống hiền để gặp lành, nhiều bạn ắt sẽ bớt thù, đương nhiên với những chuyện không đúng, trái ngang thì phải kiên quyết. Muốn mọi người đồng lòng, thuyết phục được người khác không làm sai thì trước hết bản thân, gia đình mình phải làm đúng, phải gương mẫu. Như vậy lời nói, hành động của mình mới có giá trị”.
Theo ông Sinh, khi có vụ việc phát sinh ông sẽ chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng Nhân dân, nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết, đặc biệt ông luôn vận dụng những phong tục tập quán, những quy ước của thôn, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải.
Ông Sinh kể, ngày ngày ông thường hay tới thăm hỏi các gia đình trong khu, phải đi lại, hỏi han, trò chuyện nhiều với mọi người mới biết được những chuyện to, chuyện nhỏ trong làng, ngoài xóm. Có khi nhờ câu chuyện của nhà người này, ông lại giúp đỡ được nhà người khác. Nhiều gia đình có việc ngại không nói với tổ hòa giải nhưng nghe người khác nói, ông vẫn đến tìm hiểu, khuyên nhủ, động viên, thuyết phục.
“Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối xóm”, ông Sinh cho biết.
Ngoài vai trò là một hòa giải viên, ông Sinh còn được nhiều người biết đến là một người khéo dân vận. Bằng uy tín của mình, những năm qua, ông đã vận động, thuyết phục các hộ dân thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… góp phần giữ cho bộ mặt thôn Tựu Liệt nói riêng và xã Tam Hiệp nói chung luôn khang trang - sạch đẹp.
Sự chân thành - nghĩa tình trong cuộc sống, sự khéo léo - linh động trong công việc và hiệu quả mang lại từ những phần việc ông Ngô Ngọc Sinh đã làm càng làm người dân trân quý ông, thêm tin yêu vào cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Bà Nghiêm Thị Phương Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết: “Ông Ngô Ngọc Sinh là hòa giải viên được người dân quý mến, nể trọng. Trong nhiều năm làm công tác hòa giải, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, ông đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bao gia đình. Nhờ ông mà lãnh đạo xã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng. Ông Sinh xứng đáng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương”.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-bo-hoa-giai-co-uy-tin-kheo-dan-van-321530.html