Cán bộ hòa giải mang quân hàm xanh
Ngư dân Trần Quang Hiếu, thuyền trưởng tàu cá BT96476TS ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa đi biển vào bờ đã nhắc vợ tới báo cáo đồn, trạm Biên phòng nhờ thông báo về việc xử lý các tàu đánh cá vi phạm. Anh Hiếu cho biết, trong phiên biển đầu năm 2023, ra khơi gặp chuyện thì có Biên phòng làm trọng tài phân xử, cứ đụng ghe là tới gặp cán bộ Biên phòng để được hỗ trợ.
Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN của Chính phủ - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Tại tỉnh Bình Thuận, BĐBP là đơn vị thực hiện tốt nội dung này. Đó là hỗ trợ ngư dân hòa giải các vụ tranh chấp ngư trường, đâm va, vướng lưới trên biển.
Bài 1: “Trọng tài” trên biển của ngư dân
Ngư trường mắc cửi
Đứng ở bờ biển khu vực thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nhìn ra biển, những chiếc tàu đánh cá của ngư dân nối nhau, lớp trong, lớp ngoài đi lại như mắc cửi. Khoảng cách giữa những đoàn tàu nhìn bằng mắt thường có vẻ xa nhau, nhưng đối với công nghệ đánh bắt hiện nay, khoảng cách giữa tàu với tàu từ 3-5 hải lý đã là mật độ dày. Bởi vì có loại lưới dài vài km, loại lưới rê xù có thể dài tới 15km. Tàu nhiều và lưới ngày càng dài ra, nên những vụ việc va chạm trên biển xảy ra như cơm bữa.
Cùng với số lượng tàu cá lớn, ngư trường tỉnh Bình Thuận lại ở sát bên tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng có số lượng tàu cá đông đảo (5.399 tàu cá), dẫn đến tàu lớn, tàu nhỏ đan xen, chi chít từ bờ ra đến lộng. Trong khi đó, tàu đánh lưới loại nhỏ của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu thường đi chen ngang làm hỏng lưới của ngư dân. Ngay tại khu vực bến neo đậu tàu thuyền trên sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết, ngư dân Hoàng Văn Thanh cho biết: “Đâm va, máng lưới ngày càng nhiều, vì tàu nhỏ, tàu hỏng dày sít ngoài biển”.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngư dân địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Trong vòng 10 năm trở lại đây, nghề đánh cá xa bờ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rơi vào cảnh thua lỗ, vì vậy, trong số 2.800 tàu cá chuyên đánh bắt ngoài khơi, có một số tàu đi đánh bắt cầm hơi qua ngày, một số tàu có chiều dài dưới 15m đã lén lút lùi vào khu vực gần bờ để khai thác, nên ngư trường “mắc cửi” lại thêm nhiều vụ va chạm.
Sự chật hẹp của ngư trường ở tỉnh Bình Thuận không chỉ là số lượng tàu thuyền đông, mà theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, các ngành nghề của ngư dân ở địa phương này có những đặc điểm rất dễ va chạm. Ví dụ như các tàu làm nghề giã cào (lưới kéo) với nghề thả chà. Ngư dân thả chà thường đầu tư rất nhiều tiền để tạo “nhà cá”, bằng cách thả đá, ghim neo, buộc các cành lá dừa để tạo độ che phủ dưới mặt nước để cá tập trung về, sau đó quây lưới đánh bắt.
Tại khu vực neo đậu tàu cá của thành phố Phan Thiết, Trung tá Trần Văn Vịnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thanh Hải và cán bộ Kiểm ngư của địa phương tiến hành gặp gỡ các ngư dân mới từ ngoài khơi trở về để nắm bắt tình hình. Ngư dân Trương Hữu Hưng chia sẻ về tình hình trên biển và cho biết, ngư dân luôn sẵn sàng cung cấp thông tin để hỗ trợ BĐBP làm công tác hỗ trợ hòa giải.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, BĐBP và Chi cục Thủy sản thường xuyên nhận được báo cáo, kiến nghị của ngư dân về những vụ va chạm trên biển. Ông Huy cho biết, việc tuần tra trên biển để bắt giữ tàu cá vi phạm được đơn vị phối hợp với BĐBP thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, vùng biển rộng, trong khi kinh phí xăng dầu hạn hẹp cũng là vấn đề khó khăn.
Ông Huy mô tả, có rất nhiều vụ va chạm trên biển và chỉ một vụ thôi đã tốn kém thời gian, nhiên liệu mới xử lý được. Có vụ ngư dân nghèo than thở liên tục bị tàu giã cào ở phía Bà Rịa - Vũng Tàu đi sát bờ làm đứt lưới. Sự việc thường xảy ra vào ban đêm. Sau khi tiếp nhận ý kiến của bà con, lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh đã làm việc và nhờ BĐBP phối hợp cùng lực lượng Kiểm ngư của tỉnh tổ chức mai phục mới bắt giữ được.
Hầu hết sau khi bắt giữ thủ phạm cào lưới của ngư dân đánh bắt gần bờ, các chủ tàu đều nhận lỗi vô ý do không quan sát kỹ, do đêm tối, vì vậy sẽ chấp nhận bồi thường theo tinh thần thỏa thuận hai bên, do BĐBP và Chi cục Thủy sản đứng ra làm trung gian, phân tích lỗi là cố ý hay vô ý của ngư dân gây thiệt hại.
Theo ông Huy, từ năm 2017, khi Liên minh châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, BĐBP và Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận nâng mức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hòa giải sau khi có vụ việc xảy ra, xem đây cũng là một trong những biện pháp để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Lưới rê, chà cá... phập phồng
Ngư dân Nguyễn Văn Thọ ở thành phố Phan Thiết xuống tàu và chuẩn bị mở biển. Nhìn loại lưới có mắt thưa, đống lưới nằm trọn trong hầm trước mũi tàu, anh Thọ cho biết, tổng chiều dài giàn lưới gần 10km. Anh cho biết, loại lưới rê trên tàu vỏ thép thì chiều dài gấp đôi và sử dụng máy kéo trong 3-4 giờ mới xong một giàn lưới.
Anh Thọ mô tả hơi dài về việc kéo lưới, bởi đây là thời gian phập phồng nhất của người dân chài ở Bình Thuận. Mỗi giàn lưới gắn theo 10 phao tiêu (có kèm định vị phát sóng), đánh dấu bằng cột cờ nổi trên mặt biển. Tuy nhiên, rồi những vụ vướng lưới vẫn liên tiếp xảy ra. “Khi có chuyện, cứ đụng ghe thì báo cáo với BĐBP và có khi một năm báo cáo mấy lần” - anh Thọ cho biết.
Ngư dân Trần Quang Hiếu ở thành phố Phan Thiết cho biết mới nhờ BĐBP hỗ trợ hòa giải vướng lưới trên biển. Ông Hiếu cũng chia sẻ về việc các chủ tàu đặt chà cá giữa biển sau đó về nhà và 1 - 2 ngày sau sẽ quay lại kéo cá. Lợi dụng lúc chủ chà cá không có mặt, nhiều tàu giã cào áp sát kéo cá và phá toang cả giàn chà.
Bài 2: Ngăn ngừa xung đột, bất hòa trên biển
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-bo-hoa-giai-mang-quan-ham-xanh-post461687.html