Cán bộ kê khai tài sản không trung thực phải xử lý như nào?

Gần đây nhiều phương tiện thông tin đai chúng đăng tải thông tin gia đình ông Phạm Việt Anh- TGĐ PVTrans sở hữu khối tài sản là bất động sản trị giá cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên trong đó nhiều tài sản được vị cán bộ này đã kê khai không trung thực.

Khối tài sản khủng

Ông Phạm Việt Anh được Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí - PVTrans từ năm 2010.

Trong các bản Kê khai tài sản, thu nhập của các năm gần đây 2016, 2017, 2018 của ông Phạm Việt Anh đã lộ ra khối tài sản nhiều trăm tỷ đồng. Gia đình TGĐ PVTrans Phạm Việt Anh được cho là sở hữu khối tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng nhưng phần “kê khai tài sản” thì ông Phạm Việt Anh lại không trung thực khi khai tụt giá trị tài sản, thậm chí còn “quên” không đưa nhiều tài sản là bất động sản vào bản kê khai.

Đầu tiên, phải kể đến là căn biệt thự có giá trên thị trường ước tính trên 60 tỷ đồng. Đó là biệt thự số 49 Hưng Thái 2- R2 đường Nội khu (quận 7, TP HCM) được vợ chồng TGĐ PVTrans mua năm 2015. Căn biệt thư này rộng tới 467m2 và đây là nơi sinh sống chính của TGĐ PVTrans Phạm Việt Anh.

Trong “Bản kê khai tài sản, thu nhập” các năm 2016, 2017, 2018 gửi tổ chức nơi ông Phạm Việt Anh công tác, ông Phạm Việt Anh khai mua căn biệt thự trên với giá 10 tỷ đồng. Thế nhưng tại Hợp đồng mua bán căn biệt thự này lại thể hiện việc ông Phạm Việt Anh mua căn biệt thự với giá 27,3 tỷ đồng (thời điểm 2015). Vì sao TGĐ Phạm Việt Anh lại phải khai thụt số tiền mua căn biệt thự nêu trên?

Gia đình TGĐ Phạm Việt Anh còn tiếp tục sở hữu căn biệt thự số 83 Hưng Thái 2, Quận 7, TP Hồ Chí Minh rộng 240m2. Giá thị trường căn biệt thự này hiện nay cũng trên 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, gia đình ông Phạm Việt Anh còn được biết đến là chủ sở hữu mảnh đất 480m2 tại phường An Phú (quận 2, TP HCM). Trên thị trường bất động sản TP HCM, mảnh đất tương tự như thửa đất mà gia đình ông Phạm Việt Anh sở hữu được rao bán với giá gần 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, gia đình ông Phạm Việt Anh còn sở hữu một loạt bất động sản giá trị khác như: Căn nhà số 04 phố Kha Vạn Cân, TP Vũng tàu rộng 132m2, căn nhà mặt phố số 35D, đường 30/4 TP Vũng Tàu, căn hộ chung cư cao cấp Grandview Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) …

 Biệt thự số 49 Hưng Thái 2- R2 đường Nội khu (quận 7, TP HCM) của vợ chồng Tổng giám đốc PVTrans có giá trên 60 tỷ đồng

Biệt thự số 49 Hưng Thái 2- R2 đường Nội khu (quận 7, TP HCM) của vợ chồng Tổng giám đốc PVTrans có giá trên 60 tỷ đồng

Tại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do UBND TP Vũng Tàu cấp cho gia đình ông Phạm Việt Anh căn nhà số 37E, phố Huyền Trân Công chúa, TP Vũng Tàu. Căn nhà mặt phố này rộng trên 100m2 và cũng nằm ở vị trí đắc địa của TP Vũng Tàu. Tại các bản kê khai tài sản, thu nhập trong nhiều năm ông Phạm Việt Anh đã “quên” không kê khai tài sản, báo cáo tổ chức theo quy định.

Không chỉ vợ chồng ông Phạm Việt Anh sở hữu khối tài sản khủng mà vài năm gần đây bố mẹ đẻ ông Phạm Việt Anh là ông Phạm Khắc Hảo (sinh năm 1942) và bà Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1945) là cán bộ Tổng cục bưu điện nghỉ hưu đã lâu cũng đứng tên một loạt biệt thự xa hoa tại quận 7, TP HCM như sau: biệt thự số 10 đường G (khu Mỹ Phú 2 - S10 - 1), khu phố 6, P.Tân Phong, Q.7, TP HCM; Biệt thự số 23 đường Mỹ Giang 2B, KP. Mỹ Giang 2, quận 7, TP HCM; Căn hộ số 5.10 Lô A, chung cư cao cấp 91 Nguyễn Hữu Cảnh (The Manor), P.22, quận Bình Thạnh, TP HCM…

Được biết, ông Phạm Việt Anh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí - PVTrans từ năm 2010. PVTrans là một Tổng công ty có 51% vốn nhà nước và được hưởng lợi rất lớn từ sự hỗ trợ dịch vụ, hỗ trợ giá cước từ Tập đoàn Dầu khí Việt nam, từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn (như Tổng Cty: PVEP, BRS, PVOIL, PVGAS…)

Kê khai tài sản không trung thực, cán bộ bị cách chức?

Theo phân tích của giới luật sư, từ 01/7/2019, tất cả các đối tượng cán bộ, công chức, sĩ quan quân đội, công an đều thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Đây là điểm mới khi Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 chính thức có hiệu lực.

Lúc này, cán bộ, công chức phải ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác, trung thực các loại tài sản, thu nhập, biến động và nguồn gốc của chúng. Và không chỉ tài sản, thu nhập của bản thân người đó mà của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên, công chức cũng phải kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì bản thân đã kê khai.

Quang cảnh khu phố sang trọng trước của biệt thự của gia đình ông Phạm Việt Anh

Quang cảnh khu phố sang trọng trước của biệt thự của gia đình ông Phạm Việt Anh

Theo đó, các loại tài sản mà công chức bắt buộc phải kê khai được nêu rõ tại Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018: “Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai...”

Mặc dù việc kê khai tài sản là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi cán bộ, công chức nhưng thực tế không thiếu các trường hợp cố tình kê khai không trung thực. Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc xử lý người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực được thực hiện theo quy định tại Điều 52 của Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 29 của Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập, cụ thể như sau:

1. Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc.

a) Đối với cán bộ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm;

b) Đối với công chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức;

c) Đối với viên chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức;

d) Đối với người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức;

đ) Đối với người làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân áp dụng theo quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc.

2. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến.

Như vậy, nếu công chức không kê khai tài sản một cách trung thực thì hình thức xử phạt cao nhất bị áp dụng là buộc thôi việc hoặc bãi nhiễm. Do đó, công chức nói riêng và các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản nói chung cần nâng cao ý thức, tự giác và trung thực trong việc này.

PV / Xa lộ pháp luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-lo/can-bo-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-phai-xu-ly-nhu-nao-497836.html