Lâm Đồng: Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả dịp cuối năm

Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Chiều 2/12, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thừa Đoàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng - cho biết, đơn vị đã ban hành Kế hoạch số 691/KH-QLTTLĐ về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhằm ổn định thị trường, kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng) kiểm tra hàng hóa tại huyện Đức Trọng. Ảnh: Quản lý thị trường Lâm Đồng

Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng) kiểm tra hàng hóa tại huyện Đức Trọng. Ảnh: Quản lý thị trường Lâm Đồng

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường triển khai hiệu quả các chỉ thị, công điện, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cục Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Quản lý thị trường Lâm Đồng

Cục Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Quản lý thị trường Lâm Đồng

Mục đích là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ X, dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.

Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng) kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Lạt. Ảnh: Quản lý thị trường

Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng) kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Lạt. Ảnh: Quản lý thị trường

Theo ông Nguyễn Thừa Đoàn, để kiểm soát tốt thị trường dịp cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về việc tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng; Công điện 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thị trường điện tử, thuốc lá nung nóng…

Thứ hai, giao các Đội Quản lý thị trường xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm đề xuất xây dựng Kế hoạch, phương án kiểm tra, kiểm soát thị trường với phương châm “đánh đúng, đánh trúng, đánh mạnh” các tụ điểm, cửa hàng có biểu hiện nghi vấn về buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ và thực hiện trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Thứ ba, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại; đặc biệt, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, Tiktok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.

Thứ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Công Thương, Thanh tra chuyên ngành thường xuyên rà soát, kiểm tra trên khâu lưu thông; nhất là ở các điểm kinh doanh; kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, sân bay quốc tế Liên Khương lưu thông vào thị trường tỉnh.

Thứ năm, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đợt cao điểm; kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm.

Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-dong-cuc-quan-ly-thi-truong-tang-cuong-cong-tac-chong-buon-lau-hang-gia-dip-cuoi-nam-362042.html