Cán bộ không chuyên trách: Những trăn trở về phụ cấp

PTĐT - Đội ngũ cán bộ không chuyên trách (KCT) cấp xã, khu dân cư không chỉ là cánh tay nối dài trong thực thi chính sách ở cơ sở mà còn là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể…

Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri thị xã Phú Thọ.

Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri thị xã Phú Thọ.

PTĐT - Đội ngũ cán bộ không chuyên trách (KCT) cấp xã, khu dân cư không chỉ là cánh tay nối dài trong thực thi chính sách ở cơ sở mà còn là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể… Tuy nhiên với mức phụ cấp chi trả như hiện nay, nhiều cán bộ KCT chưa thực sự toàn tâm, toàn ý với công việc. Để đội ngũ cán bộ KCT cấp xã, khu dân cư tâm huyết, trách nhiệm với công việc, mức phụ cấp cho đội ngũ này cũng cần được HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Những người “vác tù và hàng tổng”
Kiêm cùng lúc 6 chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, Trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ, CTV dân số, y tế thôn bản, chị Đinh Thị Linh, khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập lúc nào cũng tất bật với công việc của khu. “Có hôm vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn có người cho biết vợ chồng nhà Lý A Tu đã xuống núi về nhà liền cấp tốc bỏ cơm leo lên xe máy đến ngay để động viên vợ chồng cho con đi học, có hôm đang ngủ điện thoại di động đổ chuông thông báo gia đình nọ kia xích mích cũng phải dậy đến để hòa giải… bất kể ngày hay đêm, cứ có việc gì là tôi có mặt kịp thời để giải quyết”.

Thuộc diện đặc biệt khó khăn, khu Nhồi hiện có 92 hộ dân, 396 khẩu, 3 dân tộc Mông, Dao, Mường cùng chung sống, giao thông đi lại chưa thuận tiện. Để thông báo chương trình họp dân, chị Linh phải leo bộ mấy tiếng mới đến được nhà dân, vậy mà nhiều khi đến nơi họ lại đi rừng, phải đi lại mấy lần mới gặp. Gần 20 năm làm Trưởng ban công tác mặt trận khu, năm 2017 chị Linh được đảng viên và nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư nên trong khu cứ có việc gì chị phải có mặt. Công việc bận rộn tối ngày nhưng vẫn phải vui vì được dân tin tưởng.Là Phó Bí thư Đoàn xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy anh Nguyễn Văn Đức còn đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận khu 2. Chia sẻ về công việc, anh Đức cho biết: Ở khu dân cư, tôi vừa là người tổ chức vừa phải quán xuyến mọi công việc trên địa bàn, từ công tác Đảng, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến các vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh trật tự. Đặc biệt, ở khu dân cư thường xuyên có những việc phát sinh đột xuất đều thông báo đến tôi để giải quyết. Ngoài ra, tham gia hoạt động ở xã với vai trò là Phó Bí thư đoàn, tôi thường xuyên gánh các trọng trách xung kích, tình nguyện, huy động sức trẻ để tham gia hoạt động tình nguyện, tổ chức các phong trào tại địa phương... Do vậy, thời gian dành cho việc nhà của tôi hầu như không có. “Rào cản” công việc!
Theo số liệu của Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có 3.569 người hoạt động KCT ở cấp xã, 14.439 người hoạt động KCT ở khu dân cư. Nếu làm hết trách nhiệm theo quy định thì khối lượng công việc của họ không hề nhỏ trong khi chế độ đãi ngộ chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là chế độ phụ cấp.Nghị quyết số 11/2014/NQ-HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động KCT ở cấp xã và khu dân cư; hỗ trợ kinh phí hoạt động các chi hội thuộc tổ chức chính trị xã hội ở khu đặc biệt khó khăn, khu thuộc xã đặc biệt khó khăn, theo đó mức chi trả cho 3.569 người hoạt động KCT cấp xã với kinh phí chi trả phụ cấp là 63.136 triệu đồng/năm theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng; kinh phí chi trả phụ cấp cho 14.438 người hoạt động KCT ở khu dân cư là 150.823 triệu đồng/năm trong đó chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản 19.582 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ hoạt động các tổ chức chính trị xã hội ở khu dân cư 36.491 triệu đồng/năm. Tổng kinh phí để thực hiện đảm bảo chế độ cho các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 11/2014/NQ-HĐND tỉnh là 250.451 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phụ cấp như hiện nay khó giữ chân cán bộ KCT.Dù tâm huyết, trách nhiệm với công việc, nhưng với mức thù lao như hiện nay, chị Đinh Thị Linh, Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư… khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập vẫn băn khoăn: Tất cả 6 chức danh ở khu dân cư của tôi cho thu nhập cũng chỉ được 2 triệu đồng, có nhiều tháng dồn dập công việc, tiền xăng xe đi lại không đủ. Nhiều khi những khoản tiền nhỏ một vài nghìn đi photocopy đơn từ cho bà con hoặc tiền cước vận chuyển nông cụ, giống cây con sản xuất lên khu tôi đều phải ứng mà không thu được vì bà con nghèo không có tiền. Vì trách nhiệm đảng viên, vì sự tin tưởng của người dân trong khu, tôi vẫn đảm đương công việc.Ông Đinh Văn Hồng, Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư 8, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập cũng thông tin: 2 mức phụ cấp của tôi được hơn một triệu đồng/tháng nhưng từ khi tôi kiêm thêm trưởng khu, tất cả mọi việc họ đều mời tôi. Nếu chỉ trông chờ vào phụ cấp thì tôi không đủ tiền để đi thăm hỏi người dân.Vẫn ngần ấy khoản phụ cấp cho 2 chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, nhưng từ khi thực hiện chủ trương sáp nhập khu dân cư, địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn nên thời gian, công sức của đội ngũ cán bộ KCT bỏ ra vì công việc cũng nhiều hơn. Ông Hoàng Văn Tuyên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê cho biết: Một cán bộ KCT ở xã mới làm đơn xin thôi việc vì lý do phụ cấp không đảm bảo cho nhu cầu gia đình. Ở xã đã từng có trường hợp cán bộ khu dân cư không nhận nhiệm vụ, khi giao công việc thì vợ đồng chí đó không đồng ý, có chị khi biết tin chồng làm cán bộ khu đã giận dỗi bỏ nhà đi khiến xã phải mất khá nhiều thời gian tuyên truyền vận động. Nếu như mức hỗ trợ phụ cấp cho họ không được tăng lên, tôi e sẽ khó thu hút được cán bộ trẻ, có trình độ.

Cần có giải pháp giữ chân cán bộ Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đã xuất hiện không ít cán bộ KCT cấp xã, khu dân cư xin nghỉ việc, đáng chú ý là đa phần trong số đó là người trẻ và có trình độ.Để tăng thu nhập cho cán bộ KCT ở cơ sở, ngoài phụ cấp chức danh chính những chức danh kiệm nhiệm được 50% mức phụ cấp, tuy nhiên hiện nay mức phụ cấp này còn thấp, chưa níu chân cán bộ KCT cấp cơ sở.Ông Bùi Xuân Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cẩm Khê cho biết: Muốn cấp cơ sở trở thành pháo đài vững chắc, tôi nghĩ kỳ họp thứ Chín HĐND tỉnh khóa XVIII cần cân nhắc nâng mức phụ cấp để cán bộ KCT cơ sở toàn tâm, toàn ý gắn bó với công việc.Việc đề nghị HĐND tỉnh xem xét thay đổi cơ chế, nhất là cách tính phụ cấp để khuyến khích cán bộ kiêm nhiệm nhiều vị trí KCT cũng là ý kiến chung của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp. Chủ tịch UBND xã Tình Cương Nguyễn Đình Phú phân tích: Cán bộ KCT ở khu dân cư giải quyết công việc nhiều mà thu nhập thấp họ sẽ không gắn bó lâu dài. Tôi nghĩ HĐND tỉnh xem xét, nâng mức phụ cấp tương xứng họ sẽ gắn bó với công việc hơn. Hiện tại ở khu, một người đảm nhiệm hai chức danh chưa được 1,5 triệu đồng, nhiều cán bộ khu trẻ có trình độ lên trình bày với lãnh đạo xã phụ cấp không đủ chi, muốn xin nghỉ để đi làm ngoài, tăng thu nhập.Chị Nguyễn Thị Vân Thúy, Trưởng Phòng Nội vụ thị xã Phú Thọ bày tỏ thêm: Chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của cán bộ KCT cấp xã, khu dân cư đề nghị tăng mức phụ cấp, chúng tôi mong muốn kỳ họp HĐND này, các đại biểu sẽ xem xét để nâng mức phụ cấp lên cho cán bộ KCT ở cấp xã, khu dân cư để khuyến khích họ gắn bó hơn với công việc.

Phòng CT- XH

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201912/can-bo-khong-chuyen-trach-nhung-tran-tro-ve-phu-cap-168214