Cán bộ, lãnh đạo bệnh viện ở TPHCM học kỹ năng truyền thông
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhận định, đơn vị y tế phải tìm cách giải quyết các vấn đề thông tin ngay từ đầu để không xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu ra tại lễ khai giảng lớp kỹ năng truyền thông báo chí, công tác phát ngôn của ngành y tế TP ngày 6/8. Hơn 50 học viên là các cán bộ, lãnh đạo bệnh viện tham dự lớp học.
Theo ông Vĩnh Châu, ngành y tế có rất nhiều thông tin để cung cấp cho người bệnh, người dân và phải giải đáp nhiều vấn đề mỗi khi phóng viên báo, đài phỏng vấn. Nếu không tiếp xúc với truyền thông, né tránh báo chí, người dân sẽ tò mò tự tìm hiểu; khi không có câu trả lời chính thống, họ sẽ tìm những thông tin ngoài lề, sai lệch sẽ gây khủng hoảng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo cơ sở y tế không quen tiếp xúc với báo chí nên dễ có những câu trả lời không trúng vấn đề hoặc gây hiểu nhầm, hiểu sai.
“Do đó cần xử lý thông tin ngay từ đầu để không xảy ra khủng hoảng truyền thông, cần chuyển từ thế bị động sang thế chủ động” – ông Châu nhấn mạnh.
Ông Châu lấy ví dụ từ việc xử lý các phòng khám thẩm mỹ sai phép, trái phép trên địa bàn thành phố. Trước đây, báo chí phát hiện, điều tra, hỏi Sở Y tế về những sai phạm này khiến Sở rơi vào bị động.
Hiện tại, Sở đã chuyển sang chủ động khi đi tìm những phòng khám vi phạm, tiến hành xử lý, sau đó đăng công khai trên cổng thông tin cho báo chí khai thác.
Tại lớp học kỹ năng này, các lãnh đạo, cán bộ bệnh viện đã cùng trao đổi, thảo luận và nêu những khó khăn, thuận lợi, chia sẻ kinh nghiệm, các tình huống gặp phải trong hoạt động tại đơn vị. Từ đó, đưa ra các bước triển khai thực hiện, tiếp nhận và xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông tại các bệnh viện, đơn vị y tế.
Trước đó, tại chuỗi hội thảo "Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội" do Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tổ chức ngày 3/8, ThS Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm truyền thông bệnh viện cho rằng, trong thời đại số hóa, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đơn vị nào.
Sự đột ngột và bất ngờ của khủng hoảng, cùng với tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng, có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của cá nhân và cơ sở y tế. Việc ứng phó khủng hoảng phải hướng đến phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", khi sự cố xảy ra, cần giải quyết một cách đúng đắn và nhân văn, đặt yếu tố sức khỏe, con người lên hàng đầu.