Cán bộ ngoại giao nữ: Học hỏi không ngừng, tận cùng đam mê

Với nhiều người phụ nữ, gia đình là quan trọng nhất. Với những cán bộ ngoại giao nữ, gia đình cũng vô cùng quan trọng nhưng niềm đam mê cháy bỏng với nghề, khát khao được cống hiến phần nhỏ bé của mình cho vị thế của đất nước không kém phần thiêng liêng...

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (giữa) và các đại biểu tại Diễn đàn Việt Nam - Australia ngày 3/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Gặp Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga tại Diễn đàn Việt Nam - Australia về “Nâng cao vai trò và đóng góp của cán bộ nữ trong lĩnh vực đối ngoại”, ngày 3/10 tại Hà Nội, không ít nhà ngoại giao nước ngoài đã chia sẻ sự ngưỡng mộ đối với nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam.

Không chỉ giành sự thán phục của những nữ đồng nghiệp nước ngoài, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chính là người truyền cảm hứng, khơi đam mê cho nhiều cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao trong việc cân bằng cuộc sống và vươn lên thành những “bóng hồng” trong đối ngoại.

Nghề “từ trái tim đến trái tim”

Chia sẻ bên lề Diễn đàn, Đại sứ Nguyệt Nga nhớ lại quãng thời gian 30 năm về trước khi vừa mới “chân ướt chân ráo” vào ngành ngoại giao, đúng thời điểm đất nước khó khăn vì khủng hoảng kinh tế, bao vây cấm vận. Khi đó, tỷ lệ cán bộ nữ làm đối ngoại rất thấp, chỉ khoảng hơn 15% với khoảng hai nữ Vụ trưởng và một nữ Đại sứ.

Có lẽ cũng vì thế mà cô cán bộ ngoại giao ngày ấy luôn nỗ lực từng ngày. Nữ Vụ trưởng đầu tiên về kinh tế ở Bộ Ngoại giao, Đại sứ, quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Phó trưởng đoàn đàm phán chính phủ về kinh tế - thương mại, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương... chỉ là những gạch đầu dòng nhỏ trong hơn 30 năm làm đối ngoại của Đại sứ Nguyệt Nga.

Cho đến tận bây giờ, bà vẫn mang trong mình một tinh thần truyền lửa đam mê đến với những đồng nghiệp nữ, vẫn làm việc hăng say để đảm bảo bình đẳng giới trong ngành Ngoại giao, để chiếc áo dài Việt tỏa sáng ở các diễn đàn năm châu…

Đề cao vai trò của nghề ngoại giao là nghề quan hệ giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim, Đại sứ Nguyệt Nga từng bày tỏ: “Chúng tôi luôn nói là phải phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, chiếc áo dài của người phụ nữ Việt vô cùng đẹp, phong thái của phụ nữ Việt vô cùng nhân hậu, nhân văn”.

So với thời điểm bà Nguyệt Nga bắt đầu nghiệp ngoại giao, bức tranh bình đẳng giới của Bộ Ngoại giao hiện nay đã mang diện mạo mới. Tỷ lệ nữ trong ngành Ngoại giao đã tăng lên đáng kể với 43,92%, chiếm 20% đại sứ và vụ trưởng, 40% vụ phó và trưởng phòng.

Những con số “biết nói” đó khiến bà “vô cùng tự hào và cảm thấy khích lệ. Có lẽ điều đáng mừng nhất của cán bộ nữ là khi được công nhận về tài năng và đảm nhận trọng trách lớn”.

Nữ Vụ trưởng đầu tiên về kinh tế ở Bộ Ngoại giao không giấu niềm phấn khởi khi nhắc đến thệ hệ nhà ngoại giao trẻ. “Tôi rất vui khi thế hệ trẻ của ngành rất tự tin và yêu nghề ngoại giao. Mỗi người làm việc tốt thì ngành sẽ đi lên và đất nước sẽ phát triển”, Đại sứ Nguyệt Nga chia sẻ.

Luôn sẵn sàng cho sự thay đổi

Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới có Nhóm các đại sứ và trưởng các cơ quan đại diện quốc tế (41 Đại sứ) với mục đích ủng hộ và tư vấn chính sách về bình đẳng giới với những kinh nghiệm đã có ở nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là ở những nước phát triển.

Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị hợp tác với Australia, một trong những nước tiên phong về bình đẳng giới trên toàn cầu. Bản ghi nhớ (MOU) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne ký ngày 12/6/2019 về “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trong kỷ nguyên số” là một trong những minh chứng rõ nhất cho nỗ lực đó.

Dù bức tranh bình đẳng giới ở Bộ Ngoại giao đã có sự đổi màu sau nhiều thập niên, song vẫn còn đó không ít thách thức. Thông qua Diễn đàn Việt Nam - Australia về “Nâng cao vai trò và đóng góp của cán bộ nữ trong lĩnh vực đối ngoại”, Đại sứ Nguyệt Nga cho biết, vấn đề bình đẳng giới, trao quyền năng cho phụ nữ trong ngành Ngoại giao một lần nữa dấy lên sự quan tâm của đông đảo chị em và cả các anh.

Đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi người ta nói nhiều đến “nhà ngoại giao 4.0”, theo Đại sứ Nguyệt Nga, có một số thách thức lớn rất mới mẻ song cũng mang hơi hướng truyền thống đặt ra đối với vấn đề bình đẳng giới trong ngành ngoại giao, ở cả những nước phát triển và đang phát triển. Những thách thức đó liên quan tới vấn đề thể chế và chính sách, định kiến tự nhiên trong xã hội, di chuyển lao động và cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ nữ của ngành Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, tháng 8/2018.

Từ đó, Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh năm giải pháp lớn mà Việt Nam cũng như ngành Ngoại giao học được từ bạn bè quốc tế và đang tích cực triển khai.

Giải pháp đầu tiên mang tính quyết định là sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của người lãnh đạo cao nhất. Tiếp đó là cần một chiến lược về bình đẳng giới trong thời đại số, mang đặc thù riêng của từng ngành, trở thành điểm tựa để xử lý các vấn đề lớn liên quan đến thách thức.

Ngoài ra, điều cần phải làm là thay đổi định kiến, có quy định chuẩn về bình đẳng giới để việc bình đẳng giới không chỉ là cảm nhận của một người mà còn là quy định của cơ quan, giúp phụ nữ vượt qua khó khăn.

Thêm nữa là sự tham gia của nam giới. Nam giới chiếm tỷ trọng cao trong xã hội và với từng ngành, do vậy, nam giới cần tham gia, hiểu về bình đẳng giới vì phát triển của Ngành và đất nước.

Cuối cùng, phụ nữ trong thời đại số cần phải vượt qua những mặc cảm, sẵn sàng học hỏi cái mới để trưởng thành, phát triển hơn.

Đại sứ Nguyệt Nga cho rằng, trong thời đại số, trước muôn vàn thách thức hiện hữu song cũng không ít cơ hội đón chờ, mỗi cán bộ nữ phải sẵn sàng cho sự thay đổi, phải học hỏi không ngừng, có ý chí đi đến cùng đam mê và khát vọng với niềm tin “chúng ta làm được và sẽ làm được”.

Thời đại số đang tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công tác đối ngoại. Chúng ta có thể liên lạc với nhau dù ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Kỹ thuật số cũng trở thành công cụ giúp phụ nữ nhiều hơn trong công việc nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình, từ đó dễ dàng làm trọn cả “hai vai”, ở nhà và ở cơ quan.

Ở Việt Nam, tôi nhận thấy rất rõ sự thay đổi khi nhận thức về bình đẳng giới được nâng cao, con số cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ nắm giữ vai trò quản lý đang tăng lên ấn tượng. Để đạt được thành quả quan trọng này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có những bước đi cụ thể và nhất quán với những mục tiêu đề ra, đảm bảo sự tham gia cân bằng về giới trong công tác ngoại giao. Tôi hy vọng Australia và

Việt Nam sẽ là những nhân tố tích cực, đi đầu trong chương trình nghị sự về bình đẳng giới.

Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Julie Heckscher

Phạm Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/can-bo-ngoai-giao-nu-hoc-hoi-khong-ngung-tan-cung-dam-me-102853.html