Cán bộ, người dân trăn trở gì khi thành phố Thủ Đức được thành lập?
Trước khi TP Thủ Đức được thành lập, nhiều người dân quận 2, 9, Thủ Đức lo ngại phải đổi các loại giấy tờ. Trong khi đó, nhiều công chức, cán bộ lại băn khoăn đến vị trí, việc làm của mình bị ảnh hưởng khi sáp nhập 3 quận.
Nhiều băn khoăn trước ngày TP Thủ Đức được thành lập
Tại buổi làm việc với đoàn công tác TP.HCM diễn ra chiều 25.12, Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết việc thành lập TP Thủ Đức phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, một số cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức quận rất trăn trở đến vị trí, việc làm của mình sau khi thành lập TP Thủ Đức.
Nhiều cán bộ công chức thuộc các phường trong diện sáp nhập băn khoăn chưa biết cách bố trí nhân sự như thế nào cho phù hợp với từng chức danh, nhiệm vụ, địa điểm làm việc của cán bộ, công chức.
Đặc biệt, nhiều người dân quận 2 cũng chia sẻ nỗi lo lớn nhất là phải chuyển đổi toàn bộ giấy tờ từ CMND, hộ khẩu, nhà ở, tài khoản ngân hàng… Người dân bày tỏ mong muốn, đề xuất cơ quan hành chính, cơ quan công an tổ chức các đợt đến nhà để giải quyết việc điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cho người dân bị ảnh hưởng hoặc giải quyết ngoài giờ hành chính tại trụ sở phường. Đồng thời, người dân mong muốn Nhà nước không thu phí khi người dân chỉnh sửa các loại giấy tờ do việc thay đổi tên phường.
Chủ tịch UBND quận 2 Lê Đức Thanh cũng cho rằng lãnh đạo TP.HCM nên có gặp gỡ, tiếp xúc để động viên, quán triệt thông báo lộ trình việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn 3 quận hiểu thông suốt để thực hiện cho tốt.
Còn tại buổi làm việc với đoàn công tác TP.HCM diễn ra ngày 26.12, Bí thư quận ủy quận 9 Lâm Đình Thắng đề xuất TP.HCM giữ nguyên cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức khi thành lập TP Thủ Đức. Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần có lộ trình, thời gian cụ thể.
Lãnh đạo quận 9 cũng kiến nghị TP.HCM tiếp tục triển khai giải quyết dứt điểm, cũng như có chính sách giải quyết bổ sung các vụ việc khiếu kiện đông người, như dự án Khu Công nghệ cao, dự án chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình, dự án tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ, dự án Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM và các sở ngành sớm có ý kiến, hướng dẫn đối với nội dung khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của UBND quận 9 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; cũng như có chủ trương giải quyết đối với các dự án đã quy hoạch nhiều năm nhưng chưa triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.
Hạn chế tối đa thiệt thòi cho cán bộ, người dân
Tại 2 buổi làm việc với lãnh đạo quận 2 và quận 9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng hiện nay, yêu cầu đặt ra là quá trình thực hiện thành lập TP Thủ Đức có giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn này cực kỳ khó khăn, vì vậy ông Nên nói cần hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của người dân, doanh nghiệp do thành lập TP Thủ Đức; đồng thời hạn chế tối đa thiệt thòi cán bộ, công chức, người lao động.
Theo ông Nên, bên cạnh những điều phấn khởi thì sẽ có những tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, người dân, nhưng vì sự phát triển phải chấp nhận chia tay cái cũ, phát triển cái mới. Đây là tâm tư chính đáng, nhưng quan điểm của TP.HCM khi thực hiện việc này đối với cán bộ là hạn chế tối đa thiệt thòi cho cán bộ. Đặc biệt, đối với người dân, Bí thư TP.HCM nhấn mạnh cần hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc cho người dân do ảnh hưởng tác động giai đoạn chuyển tiếp.
“TP Thủ Đức có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TP.HCM, của vùng và sẽ đóng góp ngân sách lớn cho cả nước. Do đó, thành phố mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức cùng chia sẻ, khắc phục các thiệt thòi có thể xảy ra, vì tương lai phát triển của TP Thủ Đức, của TP.HCM và cả nước”, Bí thư Nên nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong quá trình điều chỉnh quy hoạch của các quận, nếu những cái nào ổn định thì lập kế hoạch kêu gọi đầu tư. Khi thành lập TP Thủ Đức, tạm thời thành phố sẽ sử dụng cơ sở vật chất hiện có, không xây dựng mới trụ sở hành chính mà triển khai các chương trình. Các dự án, những dự án treo sẽ được xử lý nhanh hoặc thu hồi, dự án nào gặp khó khăn thì tháo gỡ để có sự chuyển động về mặt hạ tầng.
TP.HCM cũng sẽ tập trung xử lý các vấn đề về môi trường nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt, quan điểm của thành phố là tránh phiền hà về giấy tờ thủ tục cho người dân, phương châm là tạo thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình chuyển đổi từ quận sang TP Thủ Đức.
Người dân TP Thủ Đức được đổi giấy tờ miễn phí
Liên quan đến việc chuyển đổi giấy tờ khi thành lập TP Thủ Đức, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân nói rằng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111, TP.HCM đã lắng nghe ý kiến của người dân quận 2, 9 và Thủ Đức; cũng như các phường được sắp xếp.
Ông Nhân cho biết Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, tại điều 11 có quy định là UBND cấp tỉnh sẽ chỉ đạo UBND cấp quận, huyện, phường để giải quyết nhu cầu của người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết về hành chính đối với các loại hồ sơ giấy tờ.
Do đó, đối với các loại giấy tờ quy định trong Nghị quyết 653, Nhà nước có trách nhiệm giải quyết chuyển đổi theo yêu cầu của người dân và tổ chức. Đối với những giấy tờ còn thời hạn sử dụng thì người dân tiếp tục sử dụng theo quy định. Còn người dân có nhu cầu chuyển đổi các giấy tờ liên quan thì các cơ quan thẩm quyền sẽ thực hiện chuyển đổi và không thu phí.
Ông Nhân cũng thông tin là TP Thủ Đức sẽ hoạt động giải quyết thủ tục hành chính cho người dân từ ngày 1.3.2021. Do đó, trong giai đoạn chuyển tiếp thì quận 2, 9 và Thủ Đức, cũng như các phường thuộc diện sắp xếp vẫn giải quyết nhu cầu thủ tục hành chính bình thường cho người dân, tổ chức.