Cán bộ, nhà giáo lão thành họp mặt kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sáng 26-4, Hội Cựu giáo chức TPHCM đã tổ chức Họp mặt kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2023) với 183 cán bộ, giáo viên nội đô, giáo viên đi B.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Nguyễn Thị Yến Thu, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM bày tỏ xúc động khi được gặp lại các cán bộ, giáo viên từng tham gia vào công cuộc chống Mỹ cứu nước.
"Gần 50 năm trước, chúng tôi là những thanh niên tuổi hai mươi với tràn đầy sức trẻ và nhiệt huyết. Bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, chúng tôi đã góp phần vào chiến thắng đầy tự hào của dân tộc", bà Nguyễn Thị Yến Thu cho biết.
Hồi tưởng lại những năm tháng khó quên đó, bà Nguyễn Thị Yến Thu chia sẻ, hành trang vượt dãy Trường Sơn là những ngày đối mặt với gian khổ, đói khát, bom rơi đạn lạc và ảnh hưởng bởi chất độc da cam...
Những ngày tháng đó, thức ăn duy nhất của thanh niên tham gia chống Mỹ cứu nước là cơm nắm và rau rừng.
Việc hành quân kéo dài nhiều ngày đêm, không có ánh đèn nhưng lớp lớp thanh niên vẫn băng rừng vượt suối, lần mò trong đêm tối. Ánh sáng duy nhất soi rọi bước đường hành quân đó là ánh lửa của lòng tin, niềm tin và hy vọng về ngày giải phóng.
Nhờ được trui rèn trong gian khó nên vào chính giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất cũng là thời kỳ sản sinh ra các thế hệ thầy cô giáo "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai".
"Đó là đội ngũ thầy cô một tay cầm bút, tay kia cầm súng. Một mặt, các thầy cô đứng trên bục giảng, dùng lời nói, ngòi bút của mình để giáo dục lòng yêu nước, lên án bè lũ bán nước, chống phá cách mạng, góp phần đào tạo ra các thế hệ học sinh, sinh viên sẵn sàng xếp bút nghiên tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặt khác, chính các thầy cô giáo cũng trở thành lực lượng cán bộ chủ chốt, những người chiến sĩ thực thụ dù bị tra tấn dã man trong lao tù vẫn kiên cường tinh thần bất khuất", Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM cho biết.
Trong những năm tháng khốc liệt đó, đã có hơn 600 cán bộ nhà giáo hy sinh trên các chiến trường chống Mỹ cứu nước.
Sau ngày đất nước giải phóng, các thầy cô mang trên mình trọng trách mới là tiếp quản toàn bộ hệ thống giáo dục của thành phố. Để chuẩn bị cho ngày khai giảng đầu tiên sau khi thống nhất đất nước (5-9-1975), đội ngũ cán bộ, giáo viên đã tăng cường bồi dưỡng chính trị, phân bổ giáo viên đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn thành phố.
Đến nay, hầu hết các thầy cô giáo từng tham gia nội đô, đi B đều đã nghỉ hưu, tuổi đời hơn 80 tuổi, không còn đứng trên bục giảng hay tham gia vào các hoạt động giáo dục của thành phố nhưng vẫn giữ phẩm chất đạo đức, chính trị trong sạch, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.
Đại diện cho lớp trí thức đã và đang đóng góp cho sự phát triển của thành phố, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, mong các thế hệ thầy cô đi trước luôn mạnh khỏe, tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ nhà giáo đi sau noi theo.
"Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đã và đang tiếp nối truyền thống tự hào của các thế hệ đi trước với chất lượng giáo dục đi đầu cả nước. Thành phố luôn tiên phong đi đầu trong các hoạt động bồi dưỡng nhân tài, đào tạo ra thế hệ công dân số, hội nhập khu vực và quốc tế.
Song song đó, ngành giáo dục cũng mạnh dạn đề xuất, tham mưu lãnh đạo TPHCM và bộ, ngành trung ương nhiều chính sách, mô hình đào tạo mới nhằm nâng cao và phát triển toàn diện hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo", Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Tại buổi họp mặt, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM Trịnh Hồng Sơn, kiến nghị Bộ GD-ĐT có thêm chính sách hỗ trợ, ghi nhận công lao đóng góp của các cán bộ, nhà giáo từng đi B, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ nhưng không kém phần tự hào của dân tộc.