Cán bộ quản lý được nghỉ hè như giáo viên: Nhà trường phải khéo léo, linh hoạt

Thông tư 05/2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4, trong đó quy định hiệu trưởng, hiệu phó nghỉ hè giống như giáo viên...

Cô trò Trường Tiểu học Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ

Cô trò Trường Tiểu học Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ

Đánh giá về thời gian nghỉ hè đối với hiệu trưởng, hiệu phó theo Thông tư 05/2025 của Bộ GD&ĐT (Thông tư 05), đa số thầy cô bày tỏ đồng tình nhưng cũng còn băn khoăn vì tùy đặc thù mỗi cấp học.

Xây dựng kế hoạch cụ thể

Thông tư 05/2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4, trong đó quy định hiệu trưởng, hiệu phó nghỉ hè giống như giáo viên; thời gian nghỉ được bố trí linh hoạt trong năm học và nghỉ hè. Điều này nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của nhà trường, tránh trường hợp tất cả cán bộ quản lý nghỉ cùng thời điểm thì lịch nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó phải được báo cáo cho cơ quan quản lý trực tiếp.

Gắn bó hơn 30 năm với ngành Giáo dục Thủ đô, nhà giáo Lê Anh Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (Đống Đa Hà Nội) cho rằng, quy định tại Thông tư 05 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới cán bộ giáo viên các trường. Với cấp tiểu học, thời gian hè từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm cũng là lúc chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đầu cấp và rà soát hệ thống cơ sở vật chất sẵn sàng cho năm học mới. Khối lượng công việc nhiều đòi hỏi lãnh đạo mỗi trường phải linh hoạt.

“Được nghỉ trọn vẹn một tháng trong hè là niềm mơ ước của cán bộ quản lý các trường. Tuy nhiên, nhà trường sẽ phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để đảm bảo các đầu việc trôi chảy và có sự tiếp nối. Ví dụ, công tác tuyển sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho năm học mới cần đại diện ban giám hiệu có mặt trực tiếp tại trường để điều hành, quyết định. Đó là chưa kể khi có vấn đề phát sinh bắt buộc hiệu trưởng phải xử lý”, cô Lê Anh Vân nói.

Nhấn mạnh vai trò hỗ trợ đắc lực từ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị nhà trường, cô Nguyễn Thị Thu Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nam Đế (Nam Từ Liêm Hà Nội) đánh giá, thông tư lần này có nhiều điểm mới tích cực giúp đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong ngành Giáo dục. Dịp nghỉ hè, cán bộ quản lý có nhiều công việc phải xử lý, đặc biệt là tham dự cuộc họp với lãnh đạo các cấp.

Cô Thảo chia sẻ, qua đây cho thấy các cấp lãnh đạo đã ghi nhận, đồng cảm với vất vả của cán bộ quản lý, giáo viên. Các trường sẽ chủ động bố trí, sắp xếp để thay nhau nghỉ trong dịp hè nhưng nếu có công việc hoặc kế hoạch họp hành đột xuất cần sự có mặt của lãnh đạo nhà trường thì các cán bộ quản lý khá bị động. Do đó, nếu phát sinh cuộc họp với lãnh đạo có thể kết nối trực tuyến để đảm bảo thông suốt công tác chỉ đạo, điều hành từ trên xuống.

“Việc ban hành những quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian nghỉ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường như Thông tư 05 đề cập là điều cần thiết để các thầy cô không thấp thỏm khi có việc riêng phải giải quyết vào dịp nghỉ hè. Như vậy, lãnh đạo nhà trường sẽ có ngày nghỉ trong dịp hè mà vẫn đảm bảo chất lượng công việc ở đơn vị”, cô Nguyễn Thị Thu Thảo tâm đắc.

 Cô Nguyễn Thị Thu Thảo trong lễ bế giảng năm học 2023 - 2024 của Trường THCS Lý Nam Đế (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Cô Nguyễn Thị Thu Thảo trong lễ bế giảng năm học 2023 - 2024 của Trường THCS Lý Nam Đế (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Ưu tiên công việc của trường

Thông tư 05 quy định thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên trường phổ thông là 42 tuần, trong đó số tuần giảng dạy các nội dung trong chương trình GDPT là 37 tuần (bao gồm 35 tuần thực dạy và 2 tuần dự phòng); số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ là 3 tuần; số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học là 2 tuần.

Theo cô Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), đây là tin vui đối với các thầy cô giáo làm công tác quản lý trường học trên cả nước.

“Đối với nhà trường, việc triển khai thông tư không khó và phù hợp với nhu cầu của thầy cô giữ chức vụ quản lý. Kỳ nghỉ hè, học sinh không đến trường để học các môn văn hóa như trong năm học nên ban giám hiệu cùng tổ văn phòng không vất vả trong điều hành, quản lý nền nếp dạy học của thầy và trò. Vì vậy, nhà trường không nhất thiết phải triệu tập đầy đủ 100% quân số có mặt mỗi ngày trong tuần”, cô Tạ Thị Thanh Bình nói.

Với nội dung Thông tư 05, Trường THCS Thanh Xuân có thể bố trí linh hoạt các đợt trực của thầy cô trong ban giám hiệu và thành viên tổ văn phòng trực so le nhau theo đợt (mỗi đợt khoảng 1 - 2 tuần) để đảm bảo mọi việc của nhà trường vẫn triển khai đầy đủ. Trường hợp không có mặt ở trường vì nhiệm vụ đột xuất, bất khả kháng thì thầy cô có thể làm việc online và ký số bình thường mà không ảnh hưởng đến tiến độ công việc.

Ở góc nhìn khác, thầy Đào Văn Duẩn - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trực (Nam Định) trao đổi, Thông tư 05/2025 ra đời thời điểm này phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thầy Duẩn nêu quan điểm, ở cấp THPT, thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 là lúc các thầy cô tập trung vào công tác thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12 của năm học này và tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học kế tiếp. Khối lượng công việc lớn, lãnh đạo nhà trường phải lập kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ/nhóm chuyên môn và từng giáo viên để đảm bảo tiến độ công việc.

“Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ GD&ĐT đã ra Thông tư quy định cụ thể về thời gian làm việc, nghỉ hè cho giáo viên và hiệu trưởng, hiệu phó nhằm đảm bảo quyền lợi cho viên chức, người lao động. Dù vậy, việc sắp xếp, bố trí thời gian nghỉ sao cho không ảnh hưởng tới công việc chung của trường vẫn giúp thầy cô có đủ ngày nghỉ theo quy định trong một năm là điều lãnh đạo các trường phải khéo léo, linh hoạt”, thầy Đào Văn Duẩn phân tích.

Thầy Phạm Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam) chia sẻ, nếu trước đây, hiệu trưởng, hiệu phó phải túc trực không dám nghỉ hè vì lo phát sinh công việc, họp hành thì nay khi áp dụng Thông tư 05/2025, mọi người có thể chủ động bố trí lịch nghỉ hợp lý. Tuy nhiên, ưu tiên cao nhất của mỗi đơn vị vẫn là lo chất lượng các công việc từ tuyển sinh đầu vào, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đầu ra, đảm bảo an ninh an toàn trường học…

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-bo-quan-ly-duoc-nghi-he-nhu-giao-vien-nha-truong-phai-kheo-leo-linh-hoat-post725503.html