Cần bổ sung các quy định về thang máy, sử dụng thang máy thoát nạn trong PCCC
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2019/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình. Để đảm bảo cho lực lượng chữa cháy tiếp cận đến các vị trí thang máy chữa cháy cũng như đảm bảo an toàn cho người sinh hoạt, làm việc tại các tòa nhà cao tầng thoát nạn kịp thời, Đại tá Đỗ Ngọc Sơn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh (Bộ Công an), nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Công an tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện nội một số dung dự thảo.
Việc trang bị thang máy chữa cháy, thang máy cứu hộ bên ngoài tòa nhà sẽ giúp lực lượng chữa cháy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các vị trí của tòa nhà, nhất là các vị trí trên cao mà xe thang chữa cháy không tới được (Ảnh: TL).
Cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng đang diễn biến khó lường
Hiện nay, trong phạm vi cả nước cháy nổ xảy ra có xu hướng ngày càng tăng, thiệt hại ngày càng lớn. Trong đó nguy cơ cháy và khả năng gây thiệt hại tại các chung cư, tòa nhà cao tầng tiềm ẩn nguy hại khó lường. Thực tế, tại các chung cư, nhà cao tầng người làm việc, sinh hoạt số lượng đông, có nhiều tài sản dễ cháy, các hoạt động hàng ngày thường xuyên liên quan đến sử dụng lửa, điện; đáng lưu ý đối với đối tượng người già, trẻ em khi có sự cố cháy, cháy nổ xảy ra thường hoảng hốt, lúng túng, lo sợ dẫn đến những hậu quả khó được kiểm soát.
Thực tế này cho thấy cần có các giải pháp giúp cho người sinh hoạt và làm việc trên các nhà cao tầng thoát nạn khẩn cấp khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Mặt khác từ thực tế công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận đến các vị trí thang máy chữa cháy bởi các vị trí này đều được bố trí tại vùng giữa của tòa nhà. Qua tìm hiểu, được biết ở một số quốc gia phát triển, như: Mỹ, Israel họ đều đưa ra giải pháp thang máy chữa cháy lắp đặt ngoài nhà.
Năm 2018, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an cũng đã tổ chức Hội thảo giới thiệu giải pháp hệ thống thang chữa cháy và cứu hộ thoát hiểm nhà cao tầng. Hệ thống thang chữa cháy này được lắp đặt và vận hành bên ngoài tòa nhà, không sử dụng giếng thang như thang máy truyền thống. Thang máy được lắp đặt sẵn và chuyên biệt trên nóc các tòa nhà cao tầng, bao gồm hệ thống ray dẫn hướng được cố định vào kết cấu chịu lực của công trình, hệ thống tời thủy lực và dây cáp chạy dọc tòa nhà cùng cabin chở người.
Trong tình huống khẩn cấp, hệ thống sẽ tự động di chuyển đến các vị trí được thiết kế trước để tiếp nhận sự điều khiển vận hành của người sử dụng (lực lượng chữa cháy hoặc lực lượng cứu hộ) giống như một thang máy truyền thống. Hệ thống dây cáp thủy lực đưa các cabin di chuyển lên xuống giữa các tầng phía trên với mặt đất.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và các đại biểu tham dự đánh giá cao giải pháp chữa cháy và CNCH bằng thang lắp đặt bên ngoài công trình phù hợp với tình hình thực tiễn tại các đô thị Việt Nam và có tính hiệu quả cao khi xử lý sự cố khi có cháy xảy. Đồng thời cũng đề nghị các đơn vị chức năng của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn tạo điều kiện cho phép ứng dụng giải pháp hệ thống thang chữa cháy và CNCH tại các nhà cao tầng trong nước.
Hiện Bộ Xây dựng cũng đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2019/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình. Dự thảo được xây dựng trên cơ sở soát xét, chỉnh sửa, bổ sung QCVN 06:2010/BXD năm 2010 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình.
Cần bổ sung các quy định về thang máy, sử dụng thang máy thoát nạn trong PCCC
Để đảm bảo cho lực lượng chữa cháy tiếp cận đến các vị trí thang máy chữa cháy cũng như đảm bảo an toàn cho người sinh hoạt và làm việc tại các tòa nhà cao tầng thoát nạn kịp thời và không bị cản trở, Đại tá Đỗ Ngọc Sơn p nguyên Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh (Bộ Công an), nguyên Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh Thanh Hóa đưa một số ý kiến đóng góp cho dự thảo.
Theo đó, về thang máy chữa cháy, các thang này phải được bố trí ở mặt ngoài của mặt bằng tòa nhà (bao gồm thang máy sử dụng giếng thang và không có giếng thang); Nếu bố trí trong vùng giữa của mặt bằng thì phải có các hành lang riêng không nhiễm khói dẫn từ lối vào của tòa nhà đến các vị trí cửa thang máy tại tầng 1 (Điều kiện này phải được thẩm duyệt luận chứng của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và phải được Bộ Xây dựng cho phép);
Thang máy chữa cháy chỉ được sử dụng khi có cháy và được vận hành bởi lực lượng PCCC và CNCH, hoặc lực lượng bảo vệ của tòa nhà khi được giao nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn.
Theo Đại tá Đỗ Ngọc Sơn, tại tại mục 6.14 Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2017/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình cho phép: “Ở điều kiện bình thường, thang máy chữa cháy vẫn được sử dụng để chở người” là một sự linh động để không lãng phí nguồn lực được đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là một kẽ hở để các Chủ đầu tư lách luật để trang bị thiếu thang máy, tận dụng thang máy chữa cháy làm thang máy chở người. Do vậy đề nghị cơ quan xây dựng phải thẩm duyệt đủ số lượng thang máy chở người theo quy định và cơ quan PCCC và CNCH phải thẩm duyệt thang máy chữa cháy và ở điều kiện bình thường không cho phép được chở người.
Về thang máy cứu hộ và thoát nạn khẩn cấp, Đại tá Đỗ Ngọc Sơn kiến nghị: Cơ quan Cảnh sát PCCC phải đề nghị bắt buộc trang bị thang máy cứu hộ và thoát nạn khẩn cấp bên ngoài tòa nhà là phương tiện cứu người đối với các nhà chung cư, khách sạn và các loại nhà khác cao từ 25m trở lên và có hơn 50 người theo quy định.
Bổ sung vào trong dự thảo: Thang máy cứu hộ và thoát nạn khẩn cấp, bố trí ở mặt ngoài tòa nhà (Sử dụng loại có giếng thang và không có giếng thang) để cứu người; Trong điều kiện khẩn cấp chỉ có lực lượng PCCC chuyên nghiệp và lực lượng bảo vệ tại chỗ được sử dụng để cứu hộ và thoát nạn cho người sinh hoạt và làm việc tại tòa nhà.
Đối với các công trình cao tầng xây dựng không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi ban hành luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 và QCVN 06:2010/BXD thì nghiên cứu áp dụng thang máy không sử dụng giếng thang là giải pháp bổ sung thay thế: Thang máy chữa cháy theo quy định tại mục 5.14 QCVN 06:2010/BXD; Thang máy cứu hộ và thoát nạn khẩn cấp được chấp thuận là giải pháp thay thế cho lối thoát nạn thứ hai đối với các công trình cao tầng; Lắp đặt bổ sung cho các công trình là trung tâm kinh tế - chính trị, nơi có nhiều nguy cơ xảy ra tình huống khủng bố, bắt cóc con tin. Đây sẽ là phương án khả thi nhất để các lực lượng đặc nhiệm có thể nhanh chóng tiếp cận các vị trí để giải cứu con tin.
“Việc trang bị thang máy chữa cháy, thang máy cứu hộ bên ngoài tòa nhà có ưu điểm là: Lực lượng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp có thuận lợi trong việc tiếp cận được các vị trí của tòa nhà, nhất là các vị trí trên cao mà xe thang chữa cháy không tới được; giảm việc tiếp xúc với khói so với thang máy chữa cháy trong nhà; người chỉ huy chữa cháy có điều kiện quan sát tốt hơn để có phương án chỉ huy điều hành trong quá trình xử lý vụ cháy và cứu nạn...”, Đại tá Đỗ Ngọc Sơn nhấn mạnh.