Cần bổ sung quy định mới phù hợp với vận hành hệ thống pin lưu trữ năng lượng
Khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) thâm nhập trong hệ thống điện ngày càng cao sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác vận hành, đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp linh hoạt, trong đó có phát triển pin lưu trữ năng lượng (BESS) nối lưới.
Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), nhu cầu điện toàn quốc tới năm 2030 dự kiến khoảng 505 tỷ kWh. Để đáp ứng được nhu cầu này cần có khoảng 150.000 MW công suất nguồn điện.
Định hướng phát triển cơ cấu nguồn điện theo hướng giảm dần các nguồn điện than, Quy hoạch điện VIII cũng đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 tổng công suất nguồn điện gió và mặt trời đạt khoảng 41GW, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống. Trong đó, công suất của các hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) là khoảng 300 MW, chiếm 0,2% tổng công suất nguồn điện.
Thời gian qua, đơn vị vận hành hệ thống điện đã sắp xếp lại thời gian huy động nguồn điện truyền thống (nhiệt điện và thủy điện). Tuy nhiên, sản lượng điện từ nguồn NLTT đã bị cắt giảm nhiều thời gian thấp điểm giai đoạn đầu năm 2021, 2022. Còn đến thời kỳ cao điểm nắng nóng tháng 5, 6 năm nay, phụ tải tăng đột biến, miền Bắc thiếu điện trầm trọng và việc cắt điện luân phiên đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Cùng với thủy điện tích năng, BESS sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp điều chỉnh cân bằng cung – cầu điện, cải thiện và tăng độ an toàn cho quản lý mạng lưới, gia tăng độ ổn định cho hệ thống điện khi tỷ trọng NLTT tăng cao và góp phần giải quyết các vấn đề của hệ thống truyền tải về điện áp, tần số, quá tải…
Tuy nhiên, hệ thống điện thiếu các công cụ hiệu quả để cân bằng lưới điện do không có thị trường điện cạnh tranh cho các dịch vụ phụ trợ và hiện tại cũng không có chính sách cho phép sử dụng hệ thống tích trữ quy mô lớn trong hệ thống điện.
Tại hội thảo “Quy định nối lưới cho các hệ thống pin lưu trữ năng lượng ở Việt Nam”, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết: “Để có thể tích hợp được loại hình này vào hệ thống điện, cần rà soát các quy định về đấu nối lưới điện, xây dựng các quy định mới, bổ sung một số chi tiết vào các quy định hiện có để phù hợp với khả năng vận hành của hệ thống pin lưu trữ năng lượng”.
EV và xe hybrid là hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) đặc biệt
Theo ông Vũ Đình Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2), về dài hạn cần đánh giá và dự báo nhu cầu phát triển BESS sử dụng các công nghệ khác nhau, dự báo nhu cầu phát triển BESS trên lưới điện cho từng khu vực.
Cần dự báo tình hình phát triển xe điện, xe hybrid bởi đây là loại hình ESS đặc biệt, được hình thành từ nhu cầu trong giao thông vận tải và có tính độc lập nhất định với nhu cầu về năng lượng nhưng lại là loại hình ESS có thể tham gia và đem lại tác động tích cực cho lưới điện.
Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược về nhân sự cho ngành lưu trữ năng lượng, trong đó bao gồm khâu nghiên cứu, đào tạo, trao đổi, huấn luyện ở các khía cạnh công nghệ, tài chính, quản trị, chính sách. Xây dựng lộ trình tham gia cho chuỗi cung ứng, sản xuất các hệ thống lưu trữ năng lượng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Về mục tiêu ngắn hạn, ông Quang cho rằng Việt Nam cần chú trọng tăng cường hợp tác giữa nhà phát triển dự án, đơn vị cung cấp công nghệ và quản lý lưới điện để đánh giá lợi ích cũng như ưu điểm không thay thế được của BESS, từ đó tìm kiếm các mô hình kinh doanh, vận hành phù hợp.
Mặt khác, ban hành các quy định cho phép các công nghệ BESS mới được tham gia vào thị trường điện, trong đó bao gồm quy định về quy mô, thông số kỹ thuật ứng với các loại hình ứng dụng một cách phù hợp, tạo ra thị trường riêng cho BESS với các quy định mới về các dịch vụ mới trên hệ thống điện nhằm tận dụng tối đa năng lực kỹ thuật của các hệ thống lưu trữ, chẳng hạn như dịch vụ đáp ứng tần số nhanh, dịch vụ đường dây truyền tải ảo…
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đơn vị đang phối hợp chuẩn bị dự án BESS quy mô nhà máy đầu tiên tại Việt Nam mang tính trình diễn. Ông Vũ Quang Đăng, chuyên gia tư vấn năng lượng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, dự án đang đối mặt với thách thức về thu hồi chi phí. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thị trường điện bị áp mức giá trần và chênh lệch giá thấp điểm - cao điểm quá nhỏ. Do đó, ADB đề xuất cách tiếp cận dự án như một một tài sản chịu sự quản lý của nhà nước, bao gồm chi phí sản xuất đã được phê duyệt.
Đại diện ADB cũng đề xuất Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các cơ quan chức năng khác thẩm định Đề cương dự án, cho phép EVN nghiên cứu đầu tư dự án BESS, cũng như đề xuất quy định đấu nối kỹ thuật (quy định về nối lưới), đề xuất cơ chế, chính sách (giá dịch vụ phụ trợ, thị trường điện), lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể về BESS.
Các chuyên gia, cố vấn Cục Năng lượng Đan Mạch cập nhật công nghệ BESS tại châu Âu, chú trọng sự cần thiết của việc lưu trữ điện năng trong các kịch bản năng lượng tương lai, tạo cơ sở để xây dựng đề án kinh doanh và kích hoạt trên thị trường dịch vụ phụ trợ. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm của Đan Mạch về yêu cầu nối lưới cho nguồn phát dùng biến tần, bao gồm BESS.
Theo kinh nghiệm phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Đan Mạch tham chiếu với điều kiện Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị giải pháp dựa trên thị trường cần mở đường để phát triển các đề án đầu tư kinh doanh có tính thuyết phục. Thiết kế các yêu cầu theo cách mà các nhà máy điện quy mô nhỏ cũng có thể tham gia vào dịch vụ điều tần. Và các quy định về nối lưới cho hệ thống pin lưu trữ cần ban hành cùng lúc với quy định về công nghệ lưu trữ năng lượng.
Số liệu của McKinsey cho thấy, hơn 5 tỷ USD đã được đầu tư vào các hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) trên toàn cầu trong năm 2022, tăng gần gấp 3 lần so với năm trước đó. McKinsey kỳ vọng thị trường toàn cầu sẽ đạt từ 120 tỷ đến 150 tỷ USD vào năm 2030. Nhưng đây vẫn là một thị trường phân mảnh với nhiều cơ hội đặt ra.
Ông Andreas Sejr Andersen nhận định, thị trường BESS đang có triển vọng phát triển trên toàn cầu với các hệ thống BESS nối lưới quy mô lớn lên tới 100MW đã được triển khai tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Đan Mạch…