CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH XỬ LÝ VIỆC BỒI THƯỜNG BẰNG ĐẤT Ở, GIAO ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ NẾU CÓ CHÊNH LỆCH VỀ GIÁ

Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 25/8. Quan tâm tới nội dung dự thảo Luật, một số ý kiến chuyên gia kiến nghị, tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, trong đó cần nghiên cứu bổ sung quy định xử lý việc bồi thường bằng đất ở, giao đất tái định cư nếu có chênh lệch về giá…

Dự kiến Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 25/8

Dự kiến Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 25/8

Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là chế định quan trọng, có tác động sâu rộng tới quá trình phân bổ, điều chỉnh đất đai của Nhà nước, tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực tiễn triển khai trên thực tế nhiều vướng mắc, khó khăn và có nhiều khiếu kiện của người dân bị thu hồi đất. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật đất đai cần phải được rà soát kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện trên tinh thần hiện thực hóa sâu rộng Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bản cập nhật gồm 263 điều, 16 chương với 212 trang. Dự thảo Luật đang tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện và dự kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội

Góp ý vào quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, mặc dù bản dự thảo lần này so với các bản Dự thảo trước đã có khá nhiều các nội dung được tiếp thu, sửa đổi và bổ sung, tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp nhất, gây nhiều tranh cãi do đó cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát một cách cẩn trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nga cần có định nghĩa rõ ràng, phân biệt cách dùng “Bồi thường về đất ở” và “Bồi thường bằng đất ở”. Trong Dự thảo đang đề cập thiếu nhất quán, thiếu mạch lạc, chủ yếu dùng “Bồi Thường Về Đất Ở”. Trong khi nội dung này gặp nhiều trên thực tế, khi thực hiện bồi thường sẽ lúng túng. Vì vậy, cần phân biệt theo hướng:

Bồi Thường Về Đất Ở: là việc Nhà nước thu hồi đất ở và bồi thường về đất ở bị thu hồi cho người có đất ở bị thu hồi.

Bồi Thường Bằng Đất Ở: là một trong những hình thức bồi thường (nếu không muốn nói là cao nhất) dành cho người bị thu hồi đất ở. Đây là phạm vi thu hẹp của Bồi Thường Về Đất Ở. Nghĩa là Bồi Thường Về Đất Ở có các hình thức khác nhau như bồi thường bằng đất, bằng nhà tái định cư, bằng tiền ... thì Bồi Thường Bằng Đất Ở là quyền lợi cao nhất.

Từ phân tích nêu trên, PGS.TS Nguyễn Thị Nga đề xuất: dùng “Bồi Thường Bằng Đất Ở”: khoản 49 Điều 3, khoản 3 Điều 110, khoản 5 Điều 110, điểm l khoản 1 Điều 157; dùng “Bồi Thường Về Đất Ở”: khoản 4 Điều 110; khoản 8 Điều 110).

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Nga cũng kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong quy định về tái định cư. Đồng thời, cần bổ sung quy định về việc bồi thường bằng đất ở, giao đất tái định cư nếu có chênh lệch về giá (so với đơn giá tính bồi thường) thì xử lý thế nào. Hiện nay vấn đề này đang xảy ra rất nhiều trên thực tế song pháp luật hiện hành không quy định, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chưa đề cập vấn đề này.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Quan tâm tới quy định liên quan tới hoạt động của tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, Dự thảo có quy định về Tổ chức quan trọng là “Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Tuy nhiên, chưa chuẩn hóa về tên gọi, chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế phối hợp của tổ chức/cơ quan này (hiện Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tổ chức phát triển quỹ đất thuộc sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, “Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” nên là 1 tổ chức, là cơ quan độc lập do Nhà nước/Chính phủ thành lập để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động. Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực đề xuất nên tổ chức các cơ quan này theo ngành dọc chặt chẽ, hiệu quả từ trung ương đến địa phương có sự độc lập tương đối với hoạt động của chính quyền/cơ quan quản lý trung ươn và địa phương.

Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm/quyền hạn giữa cơ quan này với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện/xã, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, hạn chế sai phạm, khiếu kiện tại địa phương khi nhiệm vụ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi thu hồi ở Việt Nam hiện nay đang tập trung vào các cấp chính quyền địa phương.

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội bất động sản Việt Nam

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội bất động sản Việt Nam

Cùng quan điểm, PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, so với Luật Đất đai 2013, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phiên bản mới nhất ngày 1/8/2023 đã có nhiều chỉnh sửa hợp lý hơn về thời điểm chi trả bồi thường, về cách thức chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

PGS. TS Doãn Hồng Nhung lưu ý, vấn đề bồi thường hỗ trợ cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất được triển khai sâu rộng và lấy ý kiến trực tiếp từ ngời dân có đất bị thu hồi và người dân có cuộc sống mưu sinh từ đất. Đất cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được bảo tồn không gian sống, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường , bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79164