Cán bộ thôi việc khi tinh gọn bộ máy sẽ được hưởng chính sách, chế độ thế nào?

Bộ Nội vụ vừa đưa ra phương án đề xuất về chính sách, chế độ nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Tại dự thảo Nghị định quy định chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, Bộ Nội vụ đã đề xuất Chính sách, chế độ nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã).

Theo đó, cán bộ, công chức có tuổi đời còn hơn 2 tuổi đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Nghị định này, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng một số chính sách, chế độ.

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cần 130.000 tỉ chi chế độ, chính sách cho cán bộ khi sắp xếp bộ máy

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cần 130.000 tỉ chi chế độ, chính sách cho cán bộ khi sắp xếp bộ máy

Cụ thể, được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Đối với người nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Đối với viên chức và người lao động (trừ viên chức và người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập khác và trong cơ quan đặc thù), Bộ Nội vụ đề xuất nếu viên chức và người lao động có tuổi đời còn hơn 02 tuổi đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, thì được hưởng trợ cấp thôi việc.

Theo đó, đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Đối với người nghỉ từ tháng thứ 13 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Đồng thời được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Về nguồn kinh phí, theo dự thảo, đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động (trừ người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập) do ngân sách nhà nước cấp.

Đối với viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ được lấy từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn hợp pháp khác.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị, nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-bo-thoi-viec-khi-tinh-gon-bo-may-se-duoc-huong-chinh-sach-che-do-the-nao-19624123009450219.htm