Cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng được hưởng chính sách như thế nào?

Nghị định của Chính phủ vừa ban hành đã nêu rõ các chính sách, chế độ đối với cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

Chiều 31-12, Bộ Nội vụ họp báo công bố, cung cấp thông tin về 3 Nghị định vừa được Chính phủ ban hành cùng ngày. Trong đó, có Nghị định số 177/2024/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng (Nghị định 177).

Bộ Nội vụ thông tin về các Nghị định vừa được Chính phủ ban hành

Bộ Nội vụ thông tin về các Nghị định vừa được Chính phủ ban hành

Nghị định này quy định về chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về các chế độ được hưởng, Nghị định nêu rõ, được hưởng lương hưu, các chế độ khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi đối với thời gian từ 5 năm (60 tháng) trở xuống; Được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm nghỉ hưu cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm thôi việc, nghỉ hưu thì được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Đối với trường hợp xếp lương chức vụ, nếu đã xếp lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm đủ 48 tháng trở lên thì được xếp lên bậc 2 của chức danh hiện đảm nhiệm để nghỉ hưu. Đối với trường hợp xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng ở ngạch hiện giữ và còn thiếu từ 1 đến 12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng bậc lương trước thời hạn.

Được cộng thời gian nghỉ hưu trước tuổi với thời gian công tác để xét khen thưởng cống hiến nếu thuộc đối tượng khen thưởng cống hiến theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; Được xét thăng cấp bậc quân hàm, nâng bậc lương theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định không bị giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi đối với số năm nghỉ vượt quá 5 năm (nếu có) nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần đối với số thời gian vượt quá; phương thức đóng, mức đóng, mức hưởng và các nội dung khác có liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và hưởng trợ cấp một lần với mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tính bằng 0,5 tháng lương hiện hưởng; Được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Theo Nghị định 177, thời gian nghỉ hưu trước tuổi để tính hưởng trợ cấp nếu có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 1 tháng đến đủ 6 tháng tính là 0,5 năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính là 1 năm; Thời gian công tác tính hưởng trợ cấp là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Thời hạn thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm là trước ngày khai mạc đại hội hoặc trước ngày bầu cử cùng cấp không quá 12 tháng và chậm nhất sau khi kết thúc đại hội hoặc sau khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân 1 tháng.

Kinh phí giải quyết chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp ngân sách hiện hành. Nghị định 177 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-bo-thoi-viec-nghi-huu-theo-nguyen-vong-duoc-huong-chinh-sach-nhu-the-nao-196241231191548912.htm