Cần cái tâm và tầm của người cầm viết

Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo cũng được nâng lên, thể hiện qua tác phẩm của mình. Tham gia giải lần này có một số tác phẩm của những người cầm bút trẻ, có tác giả chỉ mới tham gia giải lần đầu nhưng đã đoạt giải cao. Ðiều này cho thấy lớp cầm bút trẻ đã chịu khó lăn lộn, tìm tòi, dám xông vào những nơi khó khăn, nguy hiểm và kiên trì đến cùng để làm rõ sự việc.

Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp.

Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp.

Cuộc thi Giải báo chí tỉnh Tây Ninh lần thứ XVIII năm 2019 thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, phóng viên, cộng tác viên tại 3 chi hội. Tổng cộng có 66 tác phẩm (32 tác giả) dự thi thuộc các thể loại báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử. Các tác phẩm dự giải đều là những tác phẩm tiêu biểu được tuyển chọn từ hàng ngàn tác phẩm đã được đăng tải, phát sóng trong 1 năm qua.

Các đề tài phản ánh khá toàn diện ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Nội dung các tác phẩm cho thấy, báo chí Tây Ninh phản ánh được hơi thở của cuộc sống hằng ngày cũng như mọi sinh hoạt chính trị trên địa bàn tỉnh. Một số tác phẩm mang tính phát hiện và tính phản biện cao, cho thấy bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ của phóng viên.

Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo cũng được nâng lên, thể hiện qua tác phẩm của mình. Tham gia giải lần này có một số tác phẩm của những người cầm bút trẻ, có tác giả chỉ mới tham gia giải lần đầu nhưng đã đoạt giải cao. Ðiều này cho thấy lớp cầm bút trẻ đã chịu khó lăn lộn, tìm tòi, dám xông vào những nơi khó khăn, nguy hiểm và kiên trì đến cùng để làm rõ sự việc. Bên cạnh đó, cũng còn một số tác phẩm trùng lặp đề tài- nhất là những tác phẩm phản ánh công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị.

Kết quả chấm Giải báo chí Tây Ninh lần thứ XVIII năm 2019 phản ánh rất rõ cho những đánh giá trên, gồm 1 giải Ðặc biệt, 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho các loại hình: báo in, báo điện tử và phát thanh - truyền hình.

Năm nay, nhiều cây bút trẻ đã đoạt giải thưởng, trong đó tác giả Phạm Quốc Sơn (Chi hội Báo Tây Ninh) lần thứ hai liên tiếp đoạt giải đặc biệt. Năm nay, anh đoạt giải với loạt bài “Cây gỗ giáng hương biến mất”. Từ nguồn tin của người dân cung cấp về một cây giáng hương cổ thụ bị đào bứng đi một cách khó hiểu tại tiểu khu 59, rừng phòng hộ Dầu Tiếng, phóng viên đã đến hiện trường tìm hiểu sự việc. Với quyết tâm theo đến cùng sự việc, cách điều tra khôn khéo, sự thật dần hé lộ. Cơ quan chức năng vào cuộc và cây giáng hương đã được tìm thấy trong khuôn viên của một hộ dân thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Giải Nhất thể loại báo in thuộc về tác giả Dương Nguyễn Hoàng Anh với loạt bài “Làm gì để mía không còn “đắng”. Tuy đề tài không mới nhưng tác giả đã có một cái nhìn toàn diện, đi sâu vào những căn nguyên làm cho người trồng mía “nghèo đi” với những chứng cứ, lý giải thuyết phục và cả những cảnh báo, đề xuất, giải pháp khả thi.

Vấn đề này cũng đã được đưa ra nghị trường Quốc hội. Tây Ninh là một trong số ít tỉnh dẫn đầu cả nước về vùng nguyên liệu mía. Ðể mía không còn “đắng”, nông dân không nghèo đi mà doanh nghiệp mía đường vẫn phát triển, cần sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương.

Các nhà báo được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Các nhà báo được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Giải Nhất thể loại Phát thanh, Truyền hình là tác phẩm: “Già Miệt - Tấm gương sáng vùng biên làm theo lời Bác” của tác giả Huỳnh Minh Ðức. Tác phẩm đề cập về tấm gương già làng Un Miệt- người Khmer ở Hòa Thạnh, huyện Châu Thành.

Các tác phẩm đoạt giải Nhì, Ba của hai thể loại báo in và phát thanh, truyền hình phản ánh sinh động quá trình thực hiện Nghị quyết của Ðảng cũng như phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cũng đã phản ánh được những vấn đề cuộc sống xã hội đặt ra như: khai thác khoáng sản tràn lan gây nguy hiểm cho tính mạng con người, nước sạch cho nông thôn, gương sáng giữ đường biên, cột mốc hay việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, gương người tốt, viêc tốt…

Hy vọng mùa giải năm 2020 sẽ tiếp tục có những tác phẩm báo chí đoạt giải với chất lượng cao hơn và sẽ có nhiều cây bút trẻ bứt phá trong quá trình tác nghiệp để đạt giải thưởng cao.

Thế Lực

DANH SÁCH TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI BÁO CHÍ TỈNH TÂY NINH LẦN THỨ XVIII NĂM 2019

GIẢI ĐẶC BIỆT:
Loạt bài “Cây gỗ giáng hương biến mất”- tác giả Phạm Quốc Sơn, Chi hội Báo Tây Ninh.
GIẢI NHẤT:
Loạt bài “Làm gì để mía không còn đắng”- tác giả Dương Nguyễn Hoàng Anh, Chi hội Báo Tây Ninh;
Bài “Già Miệt- Tấm gương sáng vùng biên làm theo lời Bác”- tác giả Huỳnh Minh Đức, Chi hội Đài PT-TH Tây Ninh.
GIẢI NHÌ:
1-Loạt bài “Sốt giá bất động sản Tây Ninh- mừng hay lo?”- tác giả Dương Nguyễn Hoàng Anh, Chi hội Báo Tây Ninh;
2- Bút ký “Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng- từ dân gian đến di sản”- tác giả Lê Thị Thu Hương, Chi hội Báo Tây Ninh;
3- Bài “Hiệu quả từ mô hình phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững”- tác giả Triệu Quang Khải, Chi hội Đài PT-TH Tây Ninh;
4- Bài “Câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của chàng thanh niên khuyết tật”- tác giả Lâm Sơn Vương, Nguyễn Bảo Lộc, Chi hội Đài PT&TH Tây Ninh.
GIẢI BA:
1. Tác phẩm: Loạt bài về cải thiện chất lượng dịch vụ y tế của tác giả Đồng Viết Thắng, phóng viên Báo Tây Ninh;
2. Tác phẩm: Loạt bài về thầy bói hoạt động ở khu vực giáp ranh giữa Trảng Bàng và Đức Hòa của tác giả Phạm Quốc Sơn, phóng viên Báo Tây Ninh;
3.Tác phẩm: Loạt bài Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng: Tìm một hướng đi của nhóm tác giả Phan Thị Châu Pha - Đặng Ngọc Trúc Sương, phóng viên Báo Tây Ninh;
4.Tác phẩm: Bánh tráng phơi sương - Món quà quê xứ Trảng của nhóm tác giả Lâm Sơn Vương - Phan Thanh Quân, phóng viên Đài PT-TH Tây Ninh;
5.Tác phẩm: Tân Châu - 30 mùa hoa của nhóm tác giả Nguyễn Cẩm Nam, Lê Vũ Đông, Công Điều; Trần Sỹ Hòa, Phóng viên Đài PT-TH Tây Ninh;
6.Tác phẩm: Cô Liên làm kinh tế giỏi của nhóm tác giả Nguyễn Cẩm Nam, Lê Vũ Đông, Phan Thanh Quân- phóng viên Đài PT-TH Tây Ninh.
GIẢI KHUYẾN KHÍCH:
1.Tác phẩm: (Truyền hình online) Chi bộ, cơ sở Đảng “đỡ đầu” hộ nghèo: Mô hình đậm tính nhân văn của tác giả Nguyễn Ngọc Hồng Thắm, Chi hội Báo Tây Ninh;
2.Tác phẩm: Hầm khai thác khoáng sản: “Đất đi”, hiểm nguy ở lại của tác giả Huỳnh Tấn Hưng, Chi hội Báo Tây Ninh;
3.Tác phẩm: Loạt bài Nước sạch cho nông thôn - nhiều vấn đề cần quan tâm của tác giả Hà Thị Thúy Hằng, Chi hội Báo Tây Ninh;
4.Tác phẩm: 40 năm “thăng trầm” cùng hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng của tác giả Trần Tam Sơn- Chi hội Báo Tây Ninh;
5. Tác phẩm: Những “cột mốc sống” trên vùng biên giới của nhóm tác giả Nguyễn Thái Hòa, Lê Trung Quân- Chi hội Báo Tây Ninh;
6. Tác Phẩm: Thiêng liêng tháng 7 của nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương nguyệt - Lê Vũ Đông, Chi hội Đài PT-TH Tây Ninh;
7. Tác phẩm: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm- việc làm cần thiết trong sản xuất nông nghiệp của tác giả Triệu Quang Khải- Chi hội Đài PT-TH Tây Ninh;
8.Tác phẩm: Năm mảnh đời - Một số phận của nhóm tác giả Nguyễn Yến Ngọc, Nguyễn Hoàng Sơn- Chi hội Đài PT-TH Tây Ninh;
9. Tác phẩm: Ông Danh Ngất của nhóm tác giả Đỗ Thanh Bình, Bùi Văn Dũng- Chi hội Đài PT-TH Tây Ninh;
10. Tác phẩm: Khi hợp tác xã tan rã của tác giả Võ Nguyên Vũ- Chi hội Đài PT-TH Tây Ninh.

Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/can-cai-tam-va-tam-cua-nguoi-cam-viet-a111520.html