Cần cải thiện chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

ĐBP - Theo kết quả công bố đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên đạt 62,62 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố; trong đó chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,02 điểm (giảm 0,44 điểm so với năm 2019).

Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhằm tăng chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Đường bộ I Điện Biên thi công thảm nhựa mặt đường trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Nằm trong 10 chỉ số thành phần, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp là công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động, chương trình và chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Để cải thiện chỉ số này, những năm qua, các sở, ban, ngành của tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp, như: Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp…

Mặc dù vậy, kết quả đạt được chưa cao. Theo kết quả công bố đánh giá của VCCI, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 2 năm gần đây có chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2018 đạt 6,94 điểm thì đến năm 2019 giảm còn 6,46 điểm và năm 2020 còn 6,02 điểm. Năm 2020, trong số 24 chỉ tiêu thành phần của chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thì có 14 chỉ tiêu tăng so với năm 2019 (về: Tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp; doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh; doanh nghiệp có ý định tiếp tục dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh…) và 10 chỉ tiêu giảm. Trong đó có những chỉ tiêu đạt rất thấp như: Tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp đạt 1,04% (mặc dù có tăng so với năm 2019); doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ xúc tiến thương mại đạt 8%; doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho cho dịch vụ liên quan tới công nghệ đạt 22%... Điều này cho thấy chưa có nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng các dịch vụ, chính sách hỗ trợ, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chưa biết đến các dịch vụ, chính sách hỗ trợ này. Trên thực tế, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp vẫn còn khá rườm rà; còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ chưa tiếp cận được thông tin về các dịch vụ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số này giảm điểm, như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp không ít khó khăn; nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chậm triển khai và chưa giải quyết đáng kể những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư; một số nội dung ảnh hưởng bởi sự thay đổi các quy định của pháp luật, nên bị kéo dài thời gian giải quyết. Cùng với đó, sự thiếu tích cực, chủ động trong công tác phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp; các dịch vụ liên quan đến tư vấn pháp luật, tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, kinh doanh chưa hiệu quả; đơn vị cung cấp các dịch vụ công nghệ, xúc tiến thương mại hay tìm kiếm thị trường, tư vấn pháp luật không nhiều, chất lượng các dịch vụ chưa cao…

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới cần đánh giá từng chỉ tiêu thành phần, tìm ra nguyên nhân và đề ra các nhóm giải pháp khắc phục. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch, nhất là các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực... Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của các cơ quan hành chính Nhà nước và xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân; nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ và đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư; tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, cơ chế, chính sách của Nhà nước; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/189096/can-cai-thien-chi-so-dich-vu-ho-tro-doanh-nghiep