IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,1%, nhưng trong báo cáo mới nhất không đề cập gì tới diễn biến mới là bão số 3 và hậu quả nặng nề mà thiên tai gây ra cho các tỉnh phía Bắc.

Ban Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế vừa công bố kết luận về đợt tham vấn về kinh tế Việt Nam. Theo đó, GDP cả năm được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6,1%, cao hơn mức dự báo gần 6% của chính IMF hồi cuối tháng 6.

 IMF lưu ý rằng rủi ro vẫn ở mức cao và cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ổn định tài chính vĩ mô và có các cải cách sâu rộng nhằm khắc phục các điểm yếu và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và toàn diện trong trung hạn - Ảnh: Bộ Công thương

IMF lưu ý rằng rủi ro vẫn ở mức cao và cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ổn định tài chính vĩ mô và có các cải cách sâu rộng nhằm khắc phục các điểm yếu và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và toàn diện trong trung hạn - Ảnh: Bộ Công thương

Theo đó, IMF đánh giá cao các cơ quan chức năng Việt Nam đã hành động nhanh chóng để duy trì sự ổn định tài chính vĩ mô khi quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch phải đối mặt với những cơn gió ngược cả trong và ngoài nước.

Dù vậy, rủi ro vẫn còn nhiều và Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ổn định tài chính vĩ mô và có các cải cách sâu rộng nhằm khắc phục các điểm yếu và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và toàn diện trong trung hạn.

Đánh giá dư địa tài khóa vẫn còn nhiều trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ chưa bao nhiêu, IMF khuyến nghị Việt Nam nên đưa chính sách tài khóa đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế.

Theo phân tích của IMF, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam bắt đầu từ cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu và du lịch phục hồi, cũng như sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng phù hợp. Giá lương thực thực phẩm năm 2024 tăng, dù vậy lạm phát cơ bản vẫn duy trì tương đối thấp và ổn định. Cán cân vãng lai đối ngoại đã thặng dư lớn trong năm 2023 ở mức 5,8% GDP, phần nhiều là do nhập khẩu sụt giảm đáng kể.

Về động lực phục hồi tăng trưởng năm nay, IMF cho biết kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng.

Tăng trưởng cầu trong nước sẽ hồi phục dần bởi doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát năm nay dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4%-4,5% của Ngân hàng Nhà nước.

Dù vậy, các giám đốc của IMF cũng lưu ý một số yếu tố rủi ro. Đó là xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng yếu đi nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng. Căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Với điều kiện tiền tệ nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái dai dẳng hơn, việc này sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước.

Không chỉ vậy, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, vì vậy tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy giảm sự ổn định tài chính.

Bản tin mà IMF cung cấp cho báo chí không đề cập tới dữ liệu đầu vào của đợt tham vấn này, nên chưa rõ đã cập nhật khó khăn và hậu quả nghiêm trọng mà bão số 3 cùng đợt mưa lũ, sạt lở sau đó gây ra cho các tỉnh miền Bắc Việt Nam.

Thiệt hại này lên tới 81.000 tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD theo báo cáo cập nhật trong cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ngày 28-9.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/imf-nang-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-post812823.html