Cần cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Rất nhiều chủ sử dụng lao động nợ các khoản bảo hiểm của người lao động trong thời gian dài với số tiền rất lớn. Sự chây ì, phớt lờ quy định ấy là bởi vẫn còn thiếu biện pháp đủ mạnh.

Theo số liệu thống kê, hiện Thanh Hóa có 3.368 đơn vị chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 527,643 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3/2025, số tiền người sử dụng lao động chậm đóng các loại bảo hiểm trên toàn tỉnh là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm xã hội hơn 571 tỷ đồng, bảo hiểm y tế 221,97 tỷ đồng, bảo hiểm thất nghiệp 32,64 tỷ đồng, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 8,29 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tiền lãi phát sinh do chậm đóng đã lên đến tới con số 144,02 tỷ đồng.

Không chỉ doanh nghiệp chây ì các loại bảo hiểm của người lao động, trong quý I/2025 trên địa bàn Thanh Hóa đã phát sinh thêm 19 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ 2,51 tỷ đồng.

Thời gian gần đây có rất nhiều chủ doanh nghiệp nợ đọng thuế đã bị ngành thuế phối hợp với cơ quan công an áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh.

Đề xuất giải pháp thu các khoản bảo hiểm còn bị khê đọng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực VI (Thanh Hóa) Nguyễn Khắc Tuấn nêu quan điểm: “Cần phải mạnh tay như cách ngành thuế đang áp dụng là cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp có nợ đọng kéo dài, đặc biệt là với các doanh nghiệp FDI. Như vậy mới đảm bảo được quyền lợi cho người lao động cũng như gỡ khó cho ngành bảo hiểm hiện nay”.

Liên quan đến tiền bạc thì lợi ích của người lao động cũng phải được xem trọng, có biện pháp bảo vệ phù hợp, chính đáng như bảo vệ lợi ích quốc gia. Không nộp thuế gây ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia, còn không nộp các khoản bảo hiểm sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống, tương lai của người lao động, pháp luật bị xem nhẹ.

Xét cho cùng, không nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng chính là đánh vào lợi ích quốc gia. Bởi một khi người lao động được bảo đảm lợi quyền, họ sẽ hăng say lao động hơn, chất lượng lao động được cải thiện, hiệu suất lao động được tăng lên, ngân sách từ thuế sẽ có nguồn thu dồi dào hơn và ngược lại. Vì thế, bảo vệ quyền lợi cho người lao động chính là bảo vệ lợi ích quốc gia, các biện pháp mạnh gồm cả cấm xuất cảnh đối với người sử dụng lao động vi phạm chính sách bảo hiểm cần phải được nghiên cứu áp dụng.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/can-cam-xuat-canh-voi-chu-doanh-nghiep-no-bao-hiem-250101.htm