Cần căn cứ pháp lý rõ ràng

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo được ưu tiên thúc đẩy nhằm tạo động lực mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, do chưa có Bộ chủ quản, nên mô hình khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam vẫn đang chới với khi hoạt động.

Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cũng đã dần hoàn thiện, tạo nên một thế hệ doanh nhân, DN mới dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và hướng tới tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu. Song hành với đó còn rất nhiều thách thức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang làm cản trở sự gia nhập của các DN sáng tạo và suy giảm tiềm năng tăng trưởng cao của các DN.

Mặc dù Việt Nam đã cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các startup vẫn thường xuyên đối mặt với quy trình đăng ký rườm rà và thời gian giải quyết lâu dài nếu đó là những sản phẩm, mô hình, ý tưởng mới (việc luật hóa chưa theo kịp thời sự thay đổi của thị trường). Điều này làm chậm quá trình khởi nghệp và tăng chi phí hoạt động.

Nguyên nhân sâu xa của những bất cập trên là do chồng chéo trong quản lý. Trong một sự kiện lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được tổ chức tại Hải Phòng mới đây, có DN đã thẳng thắn nêu ra hàng loạt khó khăn hiện nay với DN đổi mới sáng tạo, trong đó nổi cộm nhất là sự chồng chéo, một DN có tới 4 Bộ quản lý.

Điều đáng nói, mô hình khởi nghiệp sáng tạo hiện nay ở Việt Nam chưa có Bộ chủ quản. Chính tình trạng “cha chung không ai khóc” đang khiến những DN khởi nghiệp sáng tạo chới với, không biết bấu víu vào đâu. Khi triển khai một sản phẩm, DN phải xử lý một quy trình rất phức tạp, lòng vòng, cũng như phải tuân thủ rất nhiều quy định, vì mỗi Bộ có quy định khác nhau và cách thức xử lý khác nhau về sản phẩm. Trong khi, sản phẩm đổi mới sáng tạo là những sản phẩm chưa từng có trong thực tế. Vì vậy, các sản phẩm dịch vụ mang tính sáng tạo và đột phá không có trong các quy định pháp luật hiện hành.

Thực tế, hiện nay khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo cũng chưa thực sự rõ ràng. Hiện có trên 30 tên gọi khác nhau và được sử dụng không thống nhất khi đề cập đến các tổ chức liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính. Mỗi tên gọi nêu trên gắn với các cơ chế, chính sách khác nhau với thẩm quyền, tiêu chí, điều kiện khác nhau. Sự không thống nhất này dẫn tới hệ quả là nhiều tổ chức có chức năng, nhiệm vụ không tương đồng với lĩnh vực hoạt động.

Vì vậy, để tăng hiệu quả hoạt động của các DN khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ thông qua việc đơn giản hóa thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, cần thiết phải có khung khổ pháp lý riêng cho khởi nghiệp sáng tạo. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ không chỉ giúp các đơn vị có căn cứ triển khai, mà còn thúc đẩy phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đời sống, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ. Mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ KH&CN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-can-cu-phap-ly-ro-rang.html