Cần cân nhắc thấu tình, đạt lý
Một trong những nội dung hiện nay đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lấy ý kiến từ Nhân dân nằm trong dự thảo Luật Đường bộ là đề xuất giảm thời gian làm việc trong ngày của tài xế. Đây là vấn đề cần cân nhắc, xem xét một cách thấu tình, đạt lý hơn.
Tại dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đang được Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh, một ngày, tài xế không được cầm lái quá 8h, thời gian lái xe liên tục không quá 4h. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3h, thời gian nghỉ tối thiểu 30 phút.
Theo cơ quan soạn thảo, Bộ GTVT, mục đích của việc đề xuất giảm giờ lái xe trên sẽ kiểm soát chặt và tạo điều kiện thuận lợi để tài xế có sức khỏe, tỉnh táo khi chạy xe, cũng là giải pháp giảm tai nạn giao thông (TNGT). Bởi, theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, trong thời gian gần đây khoảng 40% số vụ TNGT xảy ra thường rơi vào khung giờ, từ 0h - 6h. Thời điểm này đường vắng, tài xế chủ quan, lái xe trong trạng thái buồn ngủ nên dễ dẫn đến tai nạn.
Theo ông Lê Văn An, lái xe tại một doanh nghiệp vận tải ở TP. Huế, ủng hộ đề xuất giảm thời gian lái ban đêm. Khi chạy xe ban đêm, tài xế giảm làm chủ phương tiện, khó quan sát được chướng ngại vật hơn ban ngày. Ban đêm thường có sương mù, thiếu ánh sáng, cảm nhận về màu sắc và tầm nhìn bị hạn chế, khả năng phán đoán tình huống giảm. Chưa kể giấc ngủ đêm là ngon nhất nhưng tài xế phải cầm vô lăng nên thường thiếu ngủ, mắt cay xè. “Vào ban đêm tôi chỉ chạy liên tục khoảng 2h là phải dừng nghỉ ngơi để đỡ buồn ngủ và cho hành khách đi vệ sinh”, ông An nói.
Đồng quan điểm với tài xế Lê Văn An, ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX ô tô Vận tải Huế chia sẻ, việc đề xuất không lái xe liên tục 3h vào khung giờ từ 22h đến 6h sáng hôm sau là hợp lý. Ông Cuộc phân tích, lái xe vào ban đêm đường vắng dễ tạo tâm lý chủ quan khiến tài xế chạy ẩu, chạy quá tốc độ, lấn làn nguy cơ gây ra các vụ TNGT.
Thời gian qua, ông Cuộc đã khuyến khích tài xế không nên lái xe liên tục vào ban đêm. Nếu khi tham gia tài xế nên có kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe. “Theo tôi, vào thời gian ban đêm tài xế nên lái liên tục với thời gian 2h, nghỉ từ 15-20 phút, sau đó tiếp tục sẽ giúp tỉnh táo, hạn chế va chạm giao thông”, ông Cuộc nói.
Ông Lê Nam, Giám đốc HTX Dịch vụ Vận tải Tiến Đạt - Huế cho rằng, bộ ngành chức năng nêu lý do đề xuất giảm thời gian lái xe trong ngày và ban đêm để giảm TNGT là chưa xác đáng. Việc gây TNGT là do tài xế chạy ẩu, kỹ năng nghề kém khi xử lý các trường hợp nguy cơ mất an toàn trên đường. Với thâm niên có kinh nghiệm trong nghề, ông Nam khẳng định thời gian cầm lái xe trong ngày theo quy định hiện nay là hợp lý.
Theo ông Nam, việc ban soạn thảo, dự kiến đề xuất giảm giờ làm việc từ 10h xuống 8h/ngày sẽ làm cho doanh nghiệp mất thêm chi phí. Hiện nay, hành trình xe khách từ Huế vào TP. HCM và ngược lại với khoảng 2.000km, mất tầm khoảng hơn 40h (trong 2 ngày, kể cả nghỉ ngơi), doanh nghiệp bố trí hai lái xe thay nhau làm việc (tối đa 20h/tài xế) là hợp lý. Nếu theo đề xuất giảm thời gian làm việc của lái xe như đề cập trên, thì hành trình trên, doanh nghiệp không còn được bố trí 2 tài xế như hiện nay vì mỗi lái xe được làm việc tối đa 16h (trong 2 ngày).
“Ví dụ, hành trình của xe khách Huế - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại hiện nay thường bố trí 2 tài xế, chi phí khoảng 2 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn uống, nghỉ ngơi. Nếu điều chỉnh thời gian làm việc trong ngày thì hành trình chuyến xe trên phải có 3 tài xế, buộc chủ xe phải tăng thêm chi phí” - ông Nam nói.
Xung quanh vấn đề trên, mới đây được làm khách mời trên Bản tin chào buổi sáng của VTV1, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trao đổi rằng, dự thảo điều chỉnh thời gian lái xe theo Luật Đường bộ (Luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) có nhiều điểm chưa hợp lý. Vị này giải thích, người vận tải chuyên nghiệp thường dành ban ngày để làm thủ tục giao nhận hàng và chạy xe nhiều vào ban đêm vì khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ TNGT và độ hao mòn lốp...
Theo ông Quyền, kể cả đề xuất giảm thời gian lái xe trong ngày xuống không quá 8h cũng chưa phù hợp, vì sẽ làm tăng chi phí về nhân sự và làm khó khăn cho doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự. Nếu nói giảm thời gian lái xe trong ngày và ban đêm để giảm TNGT, ông Nguyễn Văn Quyền nhận định: “Tai nạn giao thông thường do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, không hẳn do làm việc quá giờ. Để giải quyết vấn nạn TNGT, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát và xử phạt mới hiệu quả”.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ban-doc/can-can-nhac-thau-tinh-dat-ly-135529.html