Cán cân quyền lực đang thay đổi trong ngành công nghệ
Gần một thập kỷ qua, các công ty công nghệ đã mang lại tiền bạc và những đặc quyền tốt nhất để thu hút và giữ chân nhân lực giỏi trong ngành công nghiệp siêu cạnh tranh.
Theo CNN, động lực đó cũng đã góp phần vào phát triển và ra đời các sản phẩm và dịch vụ công nghệ tốt cho dù thế giới phải đối mặt với đại dịch trong suốt 2 năm qua.
Ông Bill McHargue, Người sáng lập công ty tuyển dụng Talent House có trụ sở ở San Francisco cho biết, trong bối cảnh trên, các chương trình tuyển dụng liên tục cùng với việc trả lương quá cao hoặc hơn mức cho phép đã diễn ra khi các công ty thuê bốn hoặc thậm chí lên tới năm người cho một vị trí bán hàng nhưng thực tế chỉ cần hai vẫn đáp ứng đủ.
Tuy nhiên, tình hình đã bắt đầu lắng xuống khi ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung đang hứng chịu "cơn bão lạm phát toàn cầu", lãi suất tăng, lo ngại suy thoái và căng thẳng leo thang ở Ukraine. Làn sóng mới các công ty công nghệ từng ráo riết tuyển dụng như Netflix hay Coinbase vừa thông báo sa thải hàng loạt nhân viên vào những tuần gần đây. Ngay cả những công ty lớn khác như Apple, Uber, Lyft, Snap và Twitter cũng cắt giảm chi phí bằng việc dừng hoặc giảm đi các chương trình tuyển dụng.
Ông McHargue nói rằng các công ty giờ đây sẽ không thuê quá nhiều người mà sẽ dành thời gian thẩm định chuyên sâu thông qua tiến trình phỏng vấn dài hơn và mức lương chi trả cũng sẽ mềm hơn.
"Tôi cho rằng sẽ cần phải trở lại con số thực tế hơn. Một số điều chỉnh sẽ xảy ra hoặc bắt buộc phải xảy ra và không biết sẽ kéo dài trong bao lâu", ông McHargue nói thêm.
Đối với một số nhân viên trong lĩnh vực công nghệ, điều này có thể hiểu là sẽ không thể dễ dàng kiếm nhanh được một công việc lương cao như trước đây.
Xu hướng làm việc từ xa
Các kỹ sư công nghệ cấp cao có kinh nghiệm tại các công ty lớn vẫn có thể có nhiều cơ hội trên thị trường việc làm nhưng suy thoái kinh tế cũng là dấu mốc để điều chỉnh các thay đổi về nơi và thời điểm làm việc.
Trong suốt một thập kỷ bùng nổ công nghệ, mức độ cạnh tranh giữa các nhân viên đã tạo ra nhiều kinh nghiệm cũng như kỳ vọng ở các công ty công nghệ cao", ông Bill Gurley, nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon và là một nhà đầu tư ở Uber đã viết trên Twitter.
Giờ đây, các tỷ phú là Giám đốc điều hành (CEO) của một số công ty công nghệ lớn nhất đang bắt đầu áp dụng cách tiếp cận nghiêm khắc hơn, thậm chí là ý định sa thải nhằm giảm áp lực chi phí lao động lớn.
"Trên thực tế, có lẽ rất nhiều người ở công ty không nên có mặt ở đây", Giám đốc điều hành của Meta ông Mark Zuckerberg đã nói với các nhân viên trong một phiên hỏi đáp vào tuần trước. "Một phần hy vọng của tôi là nâng cao kỳ vọng và đạt được những mục tiêu tích cực hơn. Các bạn có thể tự quyết định cho rằng nơi này không dành cho mình và tôi nhất trí với sự tự lựa chọn của các bạn".
Hay CEO của Tesla ông Elon Musk cũng đã đưa ra tối hậu thư vào tháng trước, chỉ vài tuần trước khi tuyên bố sa thải một số nhân viên không đến văn phòng ít nhất 40 tiếng/tuần . Ông Musk cho rằng những nhân viên này nên rời khỏi công ty và đây là chính sách khác xa với nhiều công ty công nghệ khác như Twitter.
"Sự sẵn sàng của nhân viên trong việc trở lại văn phòng làm việc chưa thể dễ dàng thay đổi một sớm một chiều, ông Y-Vonne Hutchinson, nhà sáng lập công ty tư vấn ReadySet cho biết.
Thực tế, suy thoái kinh tế đang thúc đẩy dân công nghệ trên khắp thế giới làm việc từ xa. Đối với một số ngành như ngân hàng, suy thoái sẽ càng phải bắt buộc nhân viên phải quay lại văn phòng làm việc tích cực hơn. Tuy nhiên, ngành công nghệ đang đi theo xu hướng khác. "Hiện tại, hầu hết các công ty công nghệ đang mang lại quyền lợi tích cực cho nhân viên để làm việc từ xa và chỉ cần 2 ngày/tuần làm việc tại văn phòng", ông Nicholas Bloom, Giáo sư kinh tế tại Đại học Standford, người nghiên cứu tập trung vào các vấn đề quản lý nơi làm việc cho biết.
Tuy nhiên, động thái chuyển sang làm việc từ xa được xem như "con dao hai lưỡi" đối với nhiều nhân viên công nghệ Mỹ khi các công ty đang sử dụng điều này để cắt giảm chi phí. Theo ông Bloom, khi thế giới bước vào thời kỳ suy thoái, các công ty công nghệ sẽ thắt chặt bằng cách cắt giảm nhân lực ở văn phòng và chuyển sang thuê nhân công rẻ bên ngoài các thành phố lớn cũng như nước ngoài. Ấn Độ và Mexico là những quốc gia thông thường thuê nhiều nhân công ở các nước khác.
Ông Harley Lippman, Giám đốc điều hành công ty công nghệ Genesis10 nói rằng xu hướng thuê ngoài thay vì nhân viên cố định sẽ diễn ra trong thời gian tới bởi điều này sẽ đáp ứng tính linh hoạt cho công ty. Dù cuối cùng diễn ra ở hình thức nào thì nhân viên công nghệ cũng phải chuẩn bị cho sự điều chỉnh đáng kể trong ngành.