Cán cân xe nhập khẩu và lắp ráp ngày càng thu hẹp

Trước đây, ô tô lắp ráp luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong các báo cáo doanh số nhưng hiện nay mức chênh lệch đang thu hẹp dần.

Khoảng cách doanh số ngày càng thu hẹp

Báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố mới đây cho thấy, kết thúc nửa đầu năm 2024, doanh số ô tô đang giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, cán cân giữa ô tô nhập khẩu và lắp ráp có sự thay đổi mạnh.

Doanh số ô tô lắp ráp và nhập khẩu đang có tỷ trọng gần như cân bằng theo báo cáo VAMA.

Doanh số ô tô lắp ráp và nhập khẩu đang có tỷ trọng gần như cân bằng theo báo cáo VAMA.

Cụ thể theo VAMA, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, doanh số ô tô lắp ráp đạt 67.849 chiếc và xe nhập khẩu là 67.035 chiếc. Tỷ trọng giữa xe nhập khẩu và lắp ráp gần như là 50:50.

Tuy nhiên nếu tính thêm cả VinFast và Hyundai Thành Công (HTC), lượng xe lắp ráp tăng lên khoảng hơn 110.000 ô tô lắp ráp, tỷ trọng xe lắp ráp - nhập khẩu thay đổi thành 60:40.

Nhưng so với các năm trước, tỷ trọng giữa xe lắp ráp và nhập khẩu cho thấy mức độ chênh lệch ngày càng thu hẹp.

Ví dụ như nửa đầu năm 2023, tỷ trọng giữa xe lắp ráp và nhập khẩu là 65:35. Hay 6 tháng đầu năm 2022 là 66:34 nghiêng về ô tô lắp ráp.

Tuy nhiên con số kể trên cũng chỉ là tương đối bởi còn hàng loạt các doanh nghiệp bán ô tô nhập khẩu không công bố doanh số. Nhưng điều này cũng phần nào cho thấy xe lắp ráp và nhập khẩu đang dần thu hẹp khoảng cách doanh số.

Vị thế giảm dần của ô tô lắp ráp còn được thể hiện khi từ đầu năm 2024, số lượng xe lắp ráp hoàn toàn mới hoặc bản nâng cấp được giới thiệu rất ít. Trong khi đó, số lượng các mẫu xe nhập khẩu mới được ra mắt rất nhiều, phần lớn là ô tô Trung Quốc.

Ô tô lắp ráp có cơ hội tăng doanh số nếu chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Nhà nước được thông qua.

Ô tô lắp ráp có cơ hội tăng doanh số nếu chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Nhà nước được thông qua.

Cơ hội nào để xe lắp ráp lấy lại vị thế?

Tuy vậy, điểm sáng của thị trường ô tô lắp ráp hiện nay có thể thấy khi chiếm đến 6/10 mẫu xe bán chạy nhất nửa đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, nếu có sự hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được triển khai trong 6 tháng cuối năm thì ô tô sản xuất lắp ráp sẽ có cơ hội lấy lại đà tăng doanh số.

Kinh nghiệm các lần giảm lệ phí trước bạ trước đây cho thấy, chính sách đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Như ở lần giảm lệ phí trước bạ 6 tháng cuối năm 2020 đã giúp tỷ trọng giữa ô tô lắp ráp và nhập khẩu lần lượt khoảng 63 và 37%. Trong khi nửa đầu năm 2020, tỷ trọng xe lắp ráp thấp hơn đôi chút.

Hay ở lần giảm lệ phí trước bạ gần đây nhất vào năm 2023, việc áp dụng chính sách trong 6 tháng cuối năm đã giúp tỷ trọng ô tô lắp ráp lên thành 60%. Trong khi 6 tháng đầu năm con số này chỉ là 58%.

Ngoài giảm lệ phí trước bạ để kích thích tiêu dùng ô tô lắp ráp, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường ô tô có thể khởi sắc khi để cạnh tranh, xe nhập khẩu cũng sẽ đẩy mạnh ưu đãi, giảm giá.

Cẩm Tú

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/can-can-xe-nhap-khau-va-lap-rap-ngay-cang-thu-hep-192240731131815076.htm