Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, từ 29/10/2021 TP. Hà Nội chính thức khởi công xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) với chiều dài hơn 300m, rộng 9m, tổ chức giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp gồm ô tô và xe máy. Theo thiết kế, cầu vượt kết cấu thép lắp ghép, trực thông dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch. Tổng mức đầu tư dự án gần 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội. Dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện, do biến động của giá vật liệu xây dựng cũng như hiện trạng công trình ngầm nổi phía đường Phạm Ngọc Thạch nên ngày 20/6 vừa qua, đơn vị thi công báo lại tiến độ, cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, theo đơn vị này tiến độ công trình vẫn không thể về đích đúng hạn trong tháng 12/2022.
Cụ thể, tiến độ thi công sẽ chậm 1 tháng so với cam kết của nhà thầu...
Đến nay, tại phía đường Phạm Ngọc Thạch, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới từ tháng 10/2022.
Tại phía đường Chùa Bộc đã khoan xong 14/14 cọc khoan nhồi và đang triển khai thi công mố trụ. Kết cấu dầm phần trên phía đường Phạm Ngọc Thạch đã có đủ điều kiện thi công từ tháng 10/2022, hiện đang làm thủ tục xin cấp phép vận chuyển dầm để triển khai thực hiện. Như vậy, so với tiến độ nhà thầu đã cam kết, đến nay đã bị chậm 1 tháng.
Dự kiến, đến ngày 30/11/2022, nhà thầu sẽ hoàn thành kết cấu phần dưới phía đường Chùa Bộc. Đầu tháng 11/2022, sau khi được cấp phép, sẽ tiến hành lao lắp dầm thép phía đường Phạm Ngọc Thạch và hoàn thành trước ngày 5/12/2022; cơ bản hoàn thành lao lắp các nhịp dầm thép trong tháng 12/2022 và hoàn thành kết cấu phần trên trước Tết Âm lịch năm 2023; thông xe trong quý I/2023. (Ảnh: Công nhân thi công tại đường Chùa Bộc).
Ghi nhận trong ngày 2/11, công trường ngổn ngang, hệ thống tôn, hàng rào bảo vệ xô lệch,...
...tôn sắc nhọn giơ ra đe dọa người đi đường...
Đơn vị thi công đang hoàn thiện kết cấu phần dưới nối lên cầu tại phía đường Phạm Ngọc Thạch...
...nhưng sắt thép bắt đầu han gỉ do tiến độ công trình bị chậm.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hương (Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Dự án chậm tiến độ kéo theo rất nhiều hệ lụy xấu, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, mưa bẩn, nắng bụi, tắc đường diễn ra liên miên trong ngày...chúng tôi vô cùng khó chịu. Đặc biệt, các loại vật liệu xây dựng, hàng rào bảo vệ thường xuyên nghiêng ngả, sắc nhọn giơ ra đường khiến chúng tôi rất lo lắng khi di chuyển qua khu vực".
Về tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2, theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, dự án có chiều dài 3,7km, chia làm 4 đoạn.
Đối với đoạn 1, đoạn 2 (từ nút giao Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ) và đoạn 4 (từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân) thời gian qua phải ngừng thi công từ ngày 15/6 đến 31/10/2022 do trong mùa mưa lũ.
Đối với đoạn 3 (từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân), đến nay chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép thi công.
Ghi nhận trong ngày 2/11, khổ đường bị thu hẹp khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này diễn ra thường xuyên, ngay cả vào khung giờ trưa...
Theo chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Phượng (phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội), tình trạng thi công "rùa bò" tại tuyến đường này phát sinh rất nhiều hệ lụy, khiến người dân tại khu vực sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
"Điều dễ trông thấy nhất là đường thường xuyên bị tắc nghẽn, bụi bặm, tiếng ồn,...đặc biệt, khu vực quây tôn thi công nhưng đắp chiếu đã lâu trở thành nơi kẻ xấu đổ chất thải, khiến môi trường bị ô nhiễm. Mùa mưa nhếch nhác, mùa hè mùi xú uế rất khó chịu...", bà Nguyễn Thị Phượng cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, mặc dù người dân tại khu vực kiến nghị nhiều lần, các cơ quan chức năng đến thu gom vận chuyển chất thải đi nhưng sau đó kẻ xấu vẫn đổ tiếp. Tình trạng này đã kéo dài khiến người dân rất bức xúc, gây mất mỹ quan đô thị...
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, đến thời điểm này, đoạn 1, 2 và 4 đã được Sở GTVT Hà Nội cấp phép phân luồng giao thông để tiến hành thi công. Đơn vị này sẽ chỉ đạo các nhà thầu làm công tác chuẩn bị lắp đặt rào chắn, cắm biển theo phương án phân luồng để thi công từ ngày 5/11/2022.
Dự kiến, trong tháng 11/2022 sẽ di chuyển chính thức các tủ điện phía đường 5m ngoài đê, hoàn chỉnh các đốt tường chắn bê tông cốt thép còn lại (4 đốt tường) và thảm toàn bộ tường 5m ngoài đê từ Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực; đồng thời thi công hoàn chỉnh phần mở rộng đường đoạn 4. (Ảnh: Vật liệu han gỉ khi công trình chậm tiến độ kéo dài).
Tháng 12/2022 sẽ tiến hành thi công cải tạo mặt đường Âu Cơ, di chuyển tuyến đường ống cấp nước D600 và thi công tường chắn đoạn 4.
Đối với đoạn 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã được Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chấp thuận để cấp phép thi công. Đơn vị này đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND thành phố Hà Nội cấp phép thi công; dự kiến ngày 10/11/2022 sẽ có giấy phép và triển khai thi công từ ngày 15/11/2022, hoàn chỉnh dự án vào đầu năm 2024./.
Văn Ngân/VOV.VN