Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, làng nghề Bát Tràng, TP Hà Nội tất bật chuẩn bị cho những chuyến hàng lớn cuối năm. Một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất năm nay là ấn rồng vẽ vàng đầy tinh xảo được tạo nên từ bàn tay của những người thợ lâu năm.
Tại khu xưởng nhỏ nằm sâu trong làng Bát Tràng, ông Phạm Việt Khoa - người có 40 năm trong nghề chia sẻ để làm nên sản phẩm ấn rồng vẽ vàng phải có 5 người đảm nhiệm từ phần tạo tác, lên khuôn, đến hoàn thiện phần thô, tráng men, nung rồi đến công đoạn vẽ vàng...
Sản phẩm ấn rồng được lấy cảm hứng từ ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ thời vua Minh Mạng. Đặc biệt, hình tượng rồng phía trên chiếc ấn được tạo hình dựa trên các đường nét bí ẩn Rồng thời Lê đang được ngự tại Điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long.
Rồng là con vật tượng trưng cho uy quyền và sự thịnh vượng, may mắn, chính vì vậy vào năm Giáp Thìn 2024, sản phẩm này rất được người dân ưa chuộng.
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Cũng theo chia sẻ, sản phẩm có tên "Dấu Ấn Rồng Thiêng” có những yêu cầu đặc biệt, đất sét phải lấy từ đất ở vùng đất thiêng tại Quảng Ninh, hòa với nước của sông Hồng, nhào nặn khéo léo dưới bàn tay của nghệ nhân tuổi Thìn trực tiếp tham gia chế tác tạo nên sự linh thiêng tuyệt đối cho tác phẩm.
Theo những người thợ nơi đây, trong một ngày, trung bình mỗi người thợ sẽ phải mất từ 8 -10 tiếng làm việc liên tục mới cho ra được 4 - 5 sản phẩm ấn rồng vẽ vàng.
Sau khi hoàn thiện, sản phẩm sẽ được tráng men và đưa vào lò nung liên tục trong năm ngày mới cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Khi ra lò, những chiếc ấn bắt đầu công đoạn vẽ vàng, một dung dịch gồm vàng và một số loại hóa chất khác sẽ được vẽ lên các phần hoa văn chi tiết, sau đó tiếp tục đưa sản phẩm vào nung trong một ngày sẽ cho ra thành phẩm hoàn thiện.
Một sản phẩm hoàn hảo phải có lớp men sáng, đều, những đường vẽ vàng lấp lánh ánh kim và nét vẽ liền lạc, không được có những vết đứt đoạn, cháy đen của vàng trên bề mặt sản phẩm.
Sản phẩm khắc họa hình tượng rồng thời Lê Sơ thời kỳ thịnh vượng của thời kỳ phong kiến Việt Nam, cùng với đó trên thân ấn có 3 chữ An, Thuận, Phát và hình tượng “Cá chép hóa rồng”.