Cận cảnh bãi cọc Cao Quỳ: Chứng tích lịch sử trên sông Bạch Đằng
Khu di tích Bạch Đằng Giang được xác định thuộc trận thủy chiến chống quân Mông Nguyên lần 3 trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên) được biết đến với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược quân Mông Nguyên trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt như Hoàng đế Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền.
Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc đã lập nên những chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng, người dân đã xây dựng quần thể Khu di tích Bạch Đằng Giang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.
Khu di tích Bạch Đằng Giang thuộc địa phận thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Thị trấn Minh Đức ngày nay vốn là làng Tràng Kênh xưa, thuộc huyện Thủy Đường (phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương). Tràng Kênh nằm trong vùng tứ giác nước được tạo bởi các sông: Bạch Đằng, sông Liễu, sông Giá, sông Hà Thần, sông Hàm Long...
Điểm nổi bật của Khu di tích là Quảng trường Chiến Thắng được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2.000m2, lát đá granite vươn ra sông. Đây là nơi trang trọng đặt một công trình uy nghiêm, đó là tượng của 3 vị anh hùng dân tộc.
Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn. 3 vị anh hùng được tạc với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng.
Ở Chính giữa là bức tượng Đức vương Ngô Quyền (898 - 944), dưới chân tượng có ghi dòng chữ: Đại thắng quân Nam Hán trên cửa sông Bạch Đằng năm 938 chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, Vị Tổ trung hưng khai sinh nền văn minh Đại Việt.
Bên trái là bức tượng Hoàng đế Lê Đại Hành (941 - 1005), dưới chân tượng có ghi dòng chữ: Người tái tạo chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai năm 981, Ngài có công đánh Tống Bình Chiêm, xây dựng Đại Cồ Việt đứng bên Đại Hán.
Bên phải là bức tượng Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300), dưới chân tượng có ghi dòng chữ: Đại thắng Bạch Đằng năm 1288 đập tan dã tâm xâm lược nước ta, mộng làm bá chủ thế giới của đế chế Mông Nguyên, mở ra nền văn hóa Đông A rực rỡ.
Xung quanh khu vực Quảng trường Chiến Thắng mô phỏng bãi cọc Cao Quỳ trên sông Bạch Đằng.
Từ ngoài cổng vào Khu di tích là đền Tràng Kênh Vọng Đế, thờ Đức Vua Lê Đại Hành.
Đền Bạch Đằng Giang thờ Đức vương Ngô Quyền.
Được biết, cao điểm dịp lễ hội đầu năm, có tới 20.000 - 50.000 lượt khách/ngày đến viếng thăm, chủ yếu là khách ngoại tỉnh. Trong đó, có nhiều đoàn là học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu lịch sử.
Cách Khu di tích Bạch Đằng Giang khoảng 15km là Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích hơn 30.600m2, thuộc xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).
Bãi cọc Cao Quỳ được Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Bảo tàng Hải Phòng khai quật cuối năm 2019.
Theo đó, 27 cọc gỗ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 - năm 1288 được các nhà khoa học phát hiện. Đây là trận địa ngăn chặn quân Mông Nguyên tại khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Năm 2020, TP Hải Phòng đầu tư 362 tỷ đồng xây dựng đường dẫn và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ nhằm lưu giữ, giới thiệu những chứng tích lịch sử.