Cận cảnh các 'chốt cứng' xây dựng 'pháo đài' chống dịch trên các tuyến phố Thủ đô
Từ ngày 6 - 21/9, TP Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng, trong đó khu vực nội đô (Vùng 1) tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Những ngày này, tinh thần 'Chống dịch như chống giặc' và chủ trương xây dựng 'Xã, phường, thị trấn là 'pháo đài', người dân là 'chiến sĩ' đã thực sự trở thành phong trào của toàn dân, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Khắp các tuyến đường của Hà Nội, hàng loạt các "chốt cứng" phòng chống dịch COVID-19 được dựng lên từ ngõ nhỏ ra đường lớn, đến các khu vực đang phong tỏa để xét nghiệm, tiêm chủng và đảm bảo "ai ở đâu, ở yên đó".
Video phóng viên báo Tin tức ghi nhận các "pháo đài" chống dịch trên các tuyến đường Thủ đô:
Thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tiếp theo, hình ảnh các chốt cứng của Thủ đô cho thấy, người dân Hà Nội đều đã ý thức được trách nhiệm của từng cá nhân tham gia phòng chống dịch tại địa bàn dân cư, tổ dân phố, xã, phường, với những “pháo đài” vững chắc, tiến tới xác định “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”.
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, phạm vi Vùng 1 tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.
Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng) thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt. Phạm vi là toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Vùng 3 (phía Tây, phía Nam Thành phố): Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch. Phạm vi là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 05 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại các vị trí "chốt cứng" ở khu dân cư, xã, phường, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng ở cơ sở đều yêu cầu nghiêm ngặt người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”; quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; đồng thời, chủ động bảo đảm nguồn lực phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng kịch bản ở mức cao hơn, sẵn sàng cho mọi tình huống có ca F0 và bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly.
Ngoài ra, UBND cấp phường, xã thường xuyên phối hợp với các trung tâm y tế, tổ chức doanh nghiệp lên danh sách các công dân, nhân viên thuộc nhóm nguy cơ cao, khu vực nguy cơ cao để giám sát và siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các hoạt động đông người như xét nghiệm, tiêm chủng, thiện nguyện...
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại cuộc họp thông tin báo chí chiều ngày 10/9, đến ngày 10/9, số ca mắc mới COVID-19 đang có chiều hướng giảm dần, tỷ lệ số ca cộng đồng cũng đang giảm. Nếu giai đoạn 1, số ca cộng đồng chiếm 50%, giai đoạn 2, giai đoạn 3, ca cộng đồng chiếm 30%, sang giai đoạn 4, số ca cộng đồng đã giảm xuống 8,7%. Trong mấy ngày gần đây, số ca mắc chỉ còn 30-40 ca, chủ yếu mắc trong khu cách ly và phong tỏa.
Với các biện pháp quyết liệt Hà Nội đang triển khai từ cơ sở, nhất là thông qua các chốt kiểm soát ngay tại khu dân cư và đến ngày 15/9, nếu Trung ương phân bổ đủ vaccine cho thành phố, đảm bảo về đến đâu tiêm phòng hết đến đó, hoàn thành mục tiêu tiêm chủng 100% cho người từ 18 tuổi trở lên, thành phố hy vọng có thể kiểm soát được dịch bệnh. Hà Nội là đầu mối giao thông của cả nước, nếu phong tỏa mãi sẽ ảnh hưởng đến các địa phương trong vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, chuỗi sản xuất...