Nhiều thập kỷ qua, các nhà khảo cổ tìm thấy một số vũ khí huyền thoại như kiếm, dao găm của các vua chúa cổ đại thuộc nền văn minh Ai Cập, Ấn Độ, Sumer, Inuit... Trong số này, dao găm tinh xảo làm từ thiên thạch được tìm thấy trong lăng mộ của vua Tutankhamun (Ai Cập).
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Italy và Ai Cập, phần lưỡi của dao găm có nguồn gốc từ thiên thạch. Nó được đặt cạnh đùi phải xác ướp vua Tutankhamun (vua Tut). Vua Tut là con trai của Akhenaten (Amenhotep IV), trị vì Ai Cập từ khoảng năm 1333 TCN, khi mới 10 tuổi.
Thành phần của lưỡi dao chủ yếu gồm sắt và nickel cùng lượng nhỏ coban, phốt pho, lưu huỳnh và cacbon. Khác với những món đồ sản xuất từ quặng sắt dưới lòng đất có chứa tối đa 4% nickel, lưỡi dao của vua Tut chứa gần 11% nickel. Tỷ lệ nickel và cacbon trong lưỡi dao găm của vua Tut thống nhất với tỷ lệ ở thiên thạch. Từ đây, các chuyên gia khẳng định chắc chắn nguồn gốc lưỡi dao găm được chế tác từ thiên thạch.
Ngoài phần lưỡi được làm từ thiên thạch, dao găm còn được nạm bằng vàng, chạm khắc tinh xảo, trang trí pha lê.
Năm 1922, nhà khảo cổ học người Anh tên Howard Carter phát hiện khu lăng mộ gần như còn nguyên vẹn của vua Tut. Theo Mirror, 5.398 vật phẩm được tìm thấy trong ngôi mộ, bao gồm quan tài rắn bằng vàng, mặt nạ, ngai, cung tên, kèn, chén hoa sen, thực phẩm, rượu vang, dép, đồ lanh tươi... Đáng chú ý nhất, dao găm làm từ thiên thạch được phát hiện.
Hiện nay, dao găm làm từ thiên thạch cùng phần lớn số vàng bạc châu báu khai quật được trong lăng mộ vua Tut được trưng bày tại Bảo tàng Cairo (Ai Cập). Đây là nơi trưng bày bộ sưu tập khổng lồ thời kỳ Ai Cập cổ đại với hơn 120.000 di vật.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing